TPHCM, Hà Nội có tối đa 5 cơ quan báo in

Hà Nội và TPHCM đến hết năm 2020, mỗi địa phương tối đa có 5 cơ quan báo in (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Ảnh: VTV
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Ảnh: VTV

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Theo quy hoạch này, với báo in, sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 1 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định.

Phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện được nêu rõ là Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản.

Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Đến năm 2020, mỗi ban đảng trung ương có không quá 1 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.

Sau năm 2020, lấy báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.

Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có 1 cơ quan tạp chí in. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, nếu tiếp nhận cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì đến hết năm 2020 được có tối đa 2 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ngành không có cơ quan báo chí in.

Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Hà Nội và TPHCM đến hết năm 2020, mỗi địa phương tối đa có 5 cơ quan báo in (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in…

Mỗi tỉnh, thành có 1 đài phát thanh truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Riêng Hà Nội và TPHCM có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, phạm vi thông tin, nên mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

Báo phát thanh, truyền hình cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đến năm 2020. Mô hình tổ chức của hệ thống phát thanh, truyền hình gồm: Đài Truyền hình quốc gia: Đài Truyền hình Việt Nam;  Đài Phát thanh quốc gia: Đài Tiếng nói Việt Nam (bao gồm Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC).

Quy hoạch chỉ rõ, trước năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân có đề án xây dựng thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt.

Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan, ấn phẩm báo chí; kiên quyết xử lý kỷ luật người có trách nhiệm và xử phạt, đình bản, rút giấy phép hoạt động đối với các cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí có sai phạm nghiêm trọng nhiều lần; rà soát, chấn chỉnh các hoạt động liên kết, xuất bản ấn phẩm của các cơ quan báo chí; tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp sở hữu, vận hành các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nhằm phát huy tác dụng của loại hình thông tin này trong công tác tuyên truyền, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực…

Mời xem toàn văn quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Tin cùng chuyên mục