TPHCM: Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Trưng cầu ý dân

Chiều 6-5, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến lần đầu cho dự thảo Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.

(SGGP).- Chiều 6-5, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến lần đầu cho dự thảo Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề trong dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, trong đó tranh luận các nội dung quan trọng như: Những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân… Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, không phải vấn đề gì cũng trưng cầu ý dân mà nên tập trung vào những nội dung theo quyết định của Quốc hội, để tránh lãng phí ngân sách. Về nội dung này, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) đề nghị, không nên đi vào chi tiết, liệt kê trong luật các vấn đề trưng cầu ý dân, Quốc hội sẽ quyết định.

Tại Điều 3, giải thích từ ngữ trong dự thảo luật quy định, “Trưng cầu ý dân là việc Quốc hội đưa ra những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội để nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định”, các đại biểu cho rằng, quy định trên chưa phù hợp vì bó hẹp các vấn đề cần trưng cầu ý dân. Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, có thể đưa ra những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội thấy liên quan trực tiếp đến đời sống người dân thì có thể đưa ra trưng cầu ý dân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Trong công tác xây dựng luật, một số bộ luật quan trọng cũng phải trưng cầu ý kiến nhân dân như Bộ luật Dân sự. Đồng quan điểm trên, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, bất cứ vấn đề gì liên quan đến đất nước, Quốc hội đều có quyền trưng cầu ý dân, không nhất thiết các vấn đề có thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc trưng cầu ý dân nên tổ chức trên toàn quốc vì Việt Nam là một nhà nước đơn nhất, không phải liên bang, khi thực hiện trưng cầu ý dân phải thực hiện trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, phạm vi như vậy quá rộng, có thể gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, đồng thời có thể không phản ánh đúng thực tế vấn đề của địa phương. Nhiều vấn đề trưng cầu ý dân không chỉ ở phạm vi quốc gia mà có thể mang tính địa phương và khu vực, nên trưng cầu ý dân tại khu vực, địa phương đó. Do vậy, cần có quy định Quốc hội sẽ quyết định cụ thể phạm vi trưng cầu là cả nước hay ở địa phương, khu vực, vì có những vấn đề chỉ người dân địa phương mới hiểu rõ được.

Ngoài ra, đa số các đại biểu thống nhất cần mở rộng thêm chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Theo các đại biểu, ngoài Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, cần bổ sung thêm Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Ý kiến đề nghị trưng cầu ý dân sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định.

MINH TÂM

Tin cùng chuyên mục