Trạm biến áp “cõng” quá nhiều thủ tục

Qua đường dây nóng Báo SGGP, một số doanh nghiệp tại TPHCM phản ánh: Việc xác định vị trí trồng một trụ điện cho khách hàng doanh nghiệp phải mất đến 15 ngày. Vì sao như vậy?  
Trạm biến áp “cõng” quá nhiều thủ tục

Qua đường dây nóng Báo SGGP, một số doanh nghiệp tại TPHCM phản ánh: Việc xác định vị trí trồng một trụ điện cho khách hàng doanh nghiệp phải mất đến 15 ngày. Vì sao như vậy?  

Còn lắm gian nan

Trả lời về chuyện này, ông Trần Duy Phương, Trưởng ban Quản lý dự án (thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn), cho biết: “Năm 2015, Công ty Điện lực Sài Gòn đã giải quyết, lắp đặt, đấu nối điện cho 25 trạm khách hàng. Để hoàn tất, đóng điện cho một trạm là cả một quá trình, vì khách hàng chỉ đăng ký yêu cầu gắn trạm, mọi việc phía điện lực gánh hết để giảm tối đa phiền hà cho khách hàng. Khi nhận được yêu cầu của khách hàng muốn lắp đặt trạm biến áp phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, công ty sẽ cử cán bộ khảo sát vị trí, thiết kế. Mọi thủ tục của ngành điện đã rút ngắn còn 8 ngày theo quy trình mà tổng công ty đưa ra, tuy nhiên, cái khó là còn phụ thuộc các sở, ngành liên quan”.

Công nhân Công ty Điện lực Củ Chi thi công lắp đặt trạm biến áp cho một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung

Thực tế, để xác định vị trí trồng trụ, vị trí đấu nối (theo thuật ngữ chuyên môn là thỏa thuận hướng tuyến) phải mời đại diện quận, Khu quản lý giao thông, Sở GTVT. Nếu trạm điện đặt trên vỉa hè phải có thêm đại diện UBND phường. Tất cả cùng ký vào biên bản. Ký biên bản xong, về hoàn chỉnh hồ sơ rồi mới nộp một bộ cho khu, một bộ cho sở. Tổng cộng phải mất 7 ngày làm việc và chờ Sở GTVT ra văn bản chấp thuận xây dựng công trình, có văn bản này thì mới làm thủ tục xin đào đường, mất chừng 10 ngày. Khu Quản lý đường bộ là cơ quan tham mưu thuộc Sở GTVT, nhưng hồ sơ lại phải nộp cho cả khu và sở, lẽ ra nếu đã nộp khu thì không phải nộp sở và ngược lại.

Ông Võ Hồng Minh Danh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm, cũng cho biết tương tự: “Năm 2015, công ty đã thi công 85 trạm biến áp cho khách hàng, đa số là các tòa nhà, cao ốc, chung cư. Thủ tục phía ngành điện chỉ có 8 ngày, còn 15 ngày là các ngành liên quan, như 3 ngày thỏa thuận quy hoạch với Sở Công thương, 5 ngày thỏa thuận hướng tuyến và 10 ngày xin phép đào đường với Sở GTVT”.

Bài học từ Củ Chi

Tuy là một huyện nhưng Củ Chi có đến 3 khu công nghiệp (Tây Bắc, Đông Nam và Tân Phú Trung). Năm 2015, Củ Chi dẫn đầu trong ngành điện lực TPHCM về lắp đặt trạm biến áp khách hàng, với 75 trạm. Ông Bành Đức Hoài, Giám đốc Công ty Điện lực Củ Chi, cho hay: “Công ty không để khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp phải chờ đợi, họ đăng ký nhu cầu là công ty làm ngay. Khảo sát vị trí xong là đưa ra xã ký luôn, thủ tục ở huyện tối đa chỉ mất 2 ngày, do huyện rất ủng hộ”. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Điện lực Củ Chi, khẳng định: “Nếu không vướng, tôi nghĩ chỉ cần 15 ngày là xong, làm thì không cực, cái chính là vướng thủ tục”.

Theo nhiều cán bộ ngành điện lực TPHCM cho biết, quy trình gắn trạm, cấp điện cho khách hàng hoàn toàn có thể rút ngắn hơn nữa để tạo thuận lợi cho dân, tuy nhiên những đề nghị này chưa được ủng hộ. Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã có văn bản đề nghị Sở GTVT TPHCM rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp phép gắn trạm, đào đường… còn 5 ngày, nhưng chưa được trả lời. Sở Công thương vẫn đòi hồ sơ gắn trạm biến áp phải có “thỏa thuận quy hoạch”, trong khi lúc doanh nghiêp xây nhà xưởng, công trình… đã được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tháng 10-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tạp chí Doing Business xếp hạng chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam ở vị trí 108/189 quốc gia, dù đã tăng 27 bậc so với năm 2014. Nếu một trạm biến áp không “cõng” trên lưng nó nhiều thủ tục, thời gian không bị kéo dài, thì chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam, đặc biệt là TPHCM mới có thể được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục