Trần Hoài Dương, người bạn lớn của trẻ nhỏ

Trần Hoài Dương, người bạn lớn của trẻ nhỏ

Chị Trương Quốc Ân là biên tập viên Nhà Xuất bản Trẻ vừa đi Huế về, báo tin: “Nhà thơ Trần Hoài Dương chết một mình ở nhà rồi”. Tôi báo tin cho nhà thơ Lê Quang Trang, nhà văn Trần Văn Tuấn ở Hội Nhà văn TPHCM, các anh đã biết tin. Trần Văn Tuấn nói: “Ông viết về Trần Hoài Dương đi. Ở trong này, không phải ai cũng biết”.

Chúng tôi quý trọng Trần Hoài Dương bởi bao giờ anh cũng mong muốn mỗi trang viết của anh thể hiện rõ tư cách một người ông, người thầy, người anh của tuổi thơ. Nhà văn Trần Hoài Dương suốt cả đời văn chỉ viết về tuổi thơ, viết cho tuổi thơ.

Ông từng tâm sự: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết về các em”; “Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ ĐẠO… Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ thơ”… Giữa thời buổi các nhà văn chuyên viết về thiếu nhi ít đi, văn hóa đọc đang được báo động trước nguy cơ lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, những suy nghĩ của Trần Hoài Dương thật đáng trân trọng.

Như vậy trước khi cầm bút sáng tác, Trần Hoài Dương đã có một nền tảng lý luận, một thái độ sống trách nhiệm. Từ năm 1963 đến năm 2006, Trần Hoài Dương xuất bản 20 đầu sách gồm có truyện ngắn truyện dài trong đó có những tên sách: “Em bé và bong bóng” (1963); “Cuộc phiêu lưu của những con chữ” (1975); “Bên ngoài mái trường” (1983); “Hoa cỏ thì thầm”; “Miền xanh thẳm” (2000)…

Nhà văn Trần Hoài Dương trong một buổi giao lưu văn học với bạn đọc

Nhà văn Trần Hoài Dương trong một buổi giao lưu văn học với bạn đọc

Nhà văn Trần Hoài Dương sinh năm 1943, quê Hải Dương, miền quê của những danh nhân văn hóa, miền quê của văn nhân trí thức. Ông tốt nghiệp hạng ưu Trường Báo chí Trung ương (1961). Làm việc tại Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản, sau đó về Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn). Từ năm 1982 đến 1992 anh về Nhà Xuất bản Măng Non, sau chuyển thành Nhà Xuất bản Trẻ (TPHCM).

Trần Hoài Dương viết nhiều và in nhiều. Có cuốn sách nào mới anh đều gởi tặng bạn bè, trong đó có tôi, bạn đọc chân tình của anh. Lý giải về động lực sáng tác, anh từng bảo: “Tôi hy vọng những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn tìm những giây phút yên bình trong thế giới trắng trong của cái đẹp và cái thiện”. Chúng tôi hiểu và chia sẻ những suy tư về trách nhiệm nghề văn của Trần Hoài Dương với những gửi gắm quá lớn quá nhiều quá hoàn thiện của anh trên từng trang viết.

VŨ ÂN THY

>> Nhà văn Trần Hoài Dương đã ra đi

Tin cùng chuyên mục