Tràn lan bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Càng gần đến Tết Trung thu, các lực lượng chức năng càng phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh bánh trung thu nhập lậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý một xe tải vận chuyển bánh trung thu nhập lậu tại Bắc Giang
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý một xe tải vận chuyển bánh trung thu nhập lậu tại Bắc Giang

Mới đây, tổ công tác thuộc Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 13 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân (ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) đã phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng là Nguyễn Thị Bích Nga (29 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng bánh trung thu do nước ngoài sản xuất rất lớn nên đã thu mua các loại bánh trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Tại “thủ phủ” sản xuất bánh kẹo của Hà Nội là xã La Phù (huyện Hoài Đức), Đội QLTT số 24 cũng vừa phát hiện, xử lý 2 cơ sở kinh doanh gần 16.000 bánh trung thu nhập trôi nổi trên thị trường, chủ yếu là hàng của Trung Quốc, không có hóa đơn, chứng từ. Theo chủ các lô hàng, mỗi chiếc bánh nhập vào giá 2.300-2.500 đồng và bán tới tay người tiêu dùng giá gấp đôi. Tại nhiều tỉnh phía Bắc, lực lượng chức năng cũng phát hiện, thu giữ và buộc tiêu hủy hàng ngàn chiếc bánh trung thu không rõ xuất xứ.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, trong tháng 8, đơn vị đã phát hiện, xử lý 593 vụ vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm với 606 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 565 vụ, với 503 cá nhân, 67 tổ chức, tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu là nhập lậu các loại bánh, kẹo, nguyên liệu làm bánh trung thu; kinh doanh bánh, kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng nguyên liệu, phụ gia ngoài danh mục được phép sử dụng; tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng sản phẩm để bán ra thị trường... Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng: tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng; nên mua sản phẩm ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm; không mua hàng lậu, sản phẩm trôi nổi, hàng không rõ nguồn gốc…

Ngày 5-9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành và ban quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành: Bắc Ninh, Đà Nẵng, TPHCM về tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị, địa phương trên phối hợp với sở công thương, sở NN-PTTN triển khai hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục