
Chiều 12-5, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ hai, thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là dự thảo). Các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Vũ Hồng Thanh và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự họp.
Trình bày tờ trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, dự thảo gồm 7 chương và 17 điều, thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn, áp dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Cụ thể là cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Do thực hiện yêu cầu xử lý những việc cấp bách của đất nước trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu thể chế hóa các chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo nghị quyết này tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình 1 kỳ họp.
Tờ trình cũng nêu rõ, dự thảo quy định một số nội dung định lượng, đơn cử như doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.
Dự thảo còn quy định doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị làm rõ phương thức hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp.
“Nếu không thì rất khó triển khai vì kinh nghiệm cho thấy hiệu quả hỗ trợ của chính sách này trước đây rất thấp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiến nghị mở rộng phạm vi hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho cả các dự án đổi mới công nghệ, chuyển đổi số quy mô lớn của doanh nghiệp tư nhân.
Ông Khải nhận định, quy định này sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới, chuyển đổi số, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực môi trường, từ đó thúc đẩy năng suất và sức cạnh tranh.
Tăng mức ưu đãi thuế cho công nghệ sạch, kinh tế xanh sẽ cho phép doanh nghiệp được khấu trừ 150% chi phí cho hoạt động đổi mới, nâng cấp công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là khuyến nghị từ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV gợi ý, dự thảo cần bổ sung quy định quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; cân nhắc bổ sung thêm quy định giao Chính phủ có biện pháp tăng năng lực tài chính và có nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ.
Tán thành quan điểm đẩy mạnh hoạt động của quỹ, song đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất bổ sung vào dự thảo 1 chương về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành các công việc liên quan kinh tế tư nhân…
Phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát từng nhóm chính sách, cụ thể hóa tối đa để khi nghị quyết được ban hành là có kế hoạch và bố trí nguồn lực triển khai thực hiện được ngay.