Hội thảo do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức.

Tại hội thảo, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đã tóm lược những kết quả bước đầu trong một năm thực hiện Đề án. Đến nay, 12 tỉnh, thành ĐBSCL (trừ Bến Tre) đã đăng ký trên 1 triệu ha lúa theo Đề án. Trong đó, cao nhất là Kiên Giang với 200.000 ha, thấp nhất là Vĩnh Long với 20.000 ha. Kết quả từ 7 mô hình điểm cấp Trung ương tại tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ đã mang đến những hiệu quả rõ nét. Các khâu đầu vào như giống, phân, thuốc, nước tưới đều giảm; năng suất tăng cao. Thu nhập nông dân trồng lúa trong mô hình tăng từ 12-50% (tương đương 4- 7,6 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống).

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất lúa tại TP Cần Thơ
Song, các ý kiến từ nông dân, doanh nghiệp đến các chuyên gia kinh tế tại hội thảo cũng chỉ ra nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay trong thực hiện Đề án. Nổi lên là: Quy mô nông hộ nhỏ lẻ, khó ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên khó xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung; nông dân tham gia sản xuất đều lớn tuổi nên chậm, ngại thay đổi ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp liên kết...
Theo ông Trần Văn Lô Ba, HTX Nông Nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), hiện 100% nông dân tham gia mô hình được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững. Nông dân trồng lúa trong địa bàn tham gia dự án đã có kiến thức về tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững. Tuy nhiên, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chưa đa dạng, chưa nhiều, diện tích còn thấp so với diện tích sản xuất tại địa phương.

Các drone bay gieo sạ lúa trong mô hình canh tác lúa thông minh tại Hậu Giang
Theo TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, hiện nay Kiên Giang là một trong những địa phương có những bước đi căn cơ trong thực hiện Đề án. Trong đó, nhiều diện tích trồng lúa theo đề án có quy mô trên 300 ha (tập trung ở huyện Giang Thành), trồng cùng một giống lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu. Đây cũng là kinh nghiệm mà các địa phương cần học tập trong triển khai thực hiện đề án trên diện tích lớn (trên 300 ha).

Điều cần thiết hiện nay là các địa phương cần xác định và công bố diện tích tham gia đề án 1 triệu ha lúa tại từng xã để mời doanh nghiệp cùng tham gia liên kết. Đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng HTX để làm “đầu mối/đại diện” cho nông dân để liên kết với doanh nghiệp. Qua đó, giúp HTX đóng vai trò kết nối “mua chung, bán chung” chứ không phải “mua đứt, bán đoạn thông qua lái – cò lúa”...