Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để lập khu thương mại tự do Hải Phòng

Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng đề xuất lập khu thương mại tự do (TMTD) TP Hải Phòng đã thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; có đủ căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để thực hiện thí điểm.

Sáng 13-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.

Tờ trình nêu 6 nhóm chính sách về quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ chế ưu đãi về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu thương mại tự do tại thành phố.

Trong đó, liên quan đến khu thương mại tự do, dự thảo nghị quyết định nghĩa “khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”.

THẮNG 9a.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Ảnh: QUANG PHÚC

Dự thảo nghị quyết đề xuất phân cấp cho UBND TP Hải Phòng quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu TMTD Hải Phòng gắn với khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu TMTD Hải Phòng, dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù ưu đãi. Theo đó, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ”, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng được thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc khu TMTD Hải Phòng và giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào khu TMTD Hải Phòng.

Khu TMTD được tổ chức thành các khu chức năng, bao gồm: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Các khu này đáp ứng điều kiện phi thuế quan; bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

CẢNG HP.jpg
Khu TMTD Hải Phòng sẽ gắn với khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng

Thiết chế này được kỳ vọng bổ sung động lực phát triển mới với các cơ chế, chính sách đột phá, giúp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng là cần thiết, bảo đảm đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.

Việc thành lập khu TMTD là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.

- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi -

Đánh giá các chính sách về khu TMTD, cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất đã thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có đủ căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật. Để triển khai hiệu quả chủ trương này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ ràng, cụ thể về kết quả đầu ra khi thành lập khu TMTD, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền... Cơ chế quản lý, giám sát cũng cần được củng cố, bổ sung hệ thống giám sát định kỳ và trách nhiệm trong triển khai thực hiện của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Tin cùng chuyên mục