Tín hiệu tích cực
Đại diện Bộ Công thương cho biết, tính đến hết tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024. Dù xuất khẩu sang Mỹ có dấu hiệu chững lại, tổng thể kim ngạch vẫn tăng trưởng nhờ sự bù đắp từ các thị trường khác. Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 18,1 tỷ USD, tăng 2,1%; EU đạt 18,5 tỷ USD, tăng 12,8%; Nhật Bản đạt 8,5 tỷ USD, tăng 12%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ…
“Xuất khẩu sang Trung Quốc gia tăng chủ yếu nhờ nhu cầu thực phẩm, thủy sản tại thị trường tỷ dân này phục hồi mạnh từ quý 2-2025. Các mặt hàng như tôm, cá tra, trái cây nhiệt đới tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như ASEAN - Trung Quốc và RCEP”, ông Nông Đức Lai, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, chia sẻ.

Tại thị trường Vương quốc Anh, nhờ hiệu quả từ Hiệp định UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam), kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhất là ở các mặt hàng máy móc, thiết bị, dệt may và giày dép. Thị trường Canada, nhờ Hiệp định thương mại tự do CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), cũng ghi nhận mức tăng hơn 13,5% trong năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trong năm 2025. Ngoài ra, các quốc gia trong khối ASEAN, Ấn Độ, cùng khu vực Trung Đông, châu Phi đang nổi lên như những hướng đi tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may, gỗ, thực phẩm… tích cực khai thác các thị trường như Brazil, Mỹ Latinh và Trung Đông. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định: “Xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn tập trung nhiều vào các thị trường lớn. Tuy vậy, việc mở rộng hiệu quả các thị trường mới như EU, Canada, Mexico, Trung Đông… là yêu cầu cấp thiết để tăng khả năng chống chịu cho ngành. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã tích cực tham gia các hội chợ quốc tế, kết nối giao thương trực tuyến, khai thác tiềm năng tại những thị trường ngoài Mỹ và EU truyền thống. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ đà tăng đáng kể”.
Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc đang trở thành những điểm đến quan trọng cho hàng hóa Việt Nam, nơi mà các doanh nghiệp có thể tiếp cận những thị trường ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ. Các doanh nghiệp thành viên như Cofidec đã và đang xuất khẩu mạnh mẽ nhóm hàng nông sản, thực phẩm sang Nhật Bản, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu, Hàn Quốc là 10% và các quốc gia khác chiếm 10%. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm khách hàng và phát triển thêm ở thị trường mới như châu Phi và Trung Đông, những quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng ưu đãi thuế”, ông Thanh nhấn mạnh thêm.
“Không có thời điểm nào tốt hơn lúc này để Việt Nam thể hiện năng lực thích ứng. Hành động nhanh, có chiến lược và đồng hành thực chất với doanh nghiệp chính là chìa khóa để biến thách thức thành động lực phát triển”, Giáo sư Vũ Minh Khương, Đại học Singapore khẳng định.
Tăng cường nội lực
Thực tế cho thấy, động lực giúp Việt Nam khai thác thành công thị trường mới trong thời gian qua chính là nhờ chiến lược đa dạng hóa thị trường và sự linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp. Việc ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP đã mở rộng không gian thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Năng lực nội tại cũng liên tục được củng cố với nhiều ngành hàng đầu tư mạnh vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyên nghiệp hóa xúc tiến thương mại quốc tế, tận dụng mạnh mẽ thương mại điện tử xuyên biên giới và chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở cấp độ cao hơn.
“Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; rút ngắn thủ tục hoàn thuế, chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm chi phí và rủi ro khi doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới. Ngoài ra, phát triển mạnh thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng logistics sẽ là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam xây dựng “vùng đệm” an toàn”, Giáo sư Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ đề xuất.
Về định hướng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là kiểm soát chặt chẽ dòng vốn FDI, đảm bảo tính minh bạch xuất xứ hàng hóa, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp nội địa đầu tư vào công nghệ, thương hiệu và các lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng. Thách thức cũng chính là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc mô hình tăng trưởng. Các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đầu tư vào thiết kế, xây dựng thương hiệu và phát triển dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để nâng cao giá trị gia tăng, mà còn là yếu tố then chốt để Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.