Kinh tế tư nhân mạnh mẽ, quốc gia cường thịnh: Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp bứt phá

Ngay sau khi đăng loạt bài “Kinh tế tư nhân mạnh mẽ, quốc gia cường thịnh”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao của các chuyên gia. Để rõ hơn về tiềm lực, vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN) trong kỷ nguyên mới, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm.

L1c-2.jpg

Lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất

  • PHÓNG VIÊN: Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển KTTN. Như vậy, vai trò và cơ hội phát triển của KTTN sẽ càng mạnh hơn, tốt hơn, thưa ông?

Thứ trưởng NGUYỄN ĐỨC TÂM: Nghị quyết số 68-NQ/TW đã chỉ rõ, khu vực KTTN hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động; là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Khu vực KTTN đang đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 82% tổng số lao động...

Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, tạo đòn bẩy giúp khu vực KTTN phát triển, trở thành “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Trong đó, chuyển đổi số, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) là những động lực tăng trưởng mới cho KTTN. Quá trình cải cách thể chế cộng với xu hướng mua bán-sáp nhập, đầu tư vào công nghệ, mở rộng thị trường quốc tế đang tạo ra các cơ hội mới để KTTN bứt phá.

N2b.jpg
Khách hàng trải nghiệm sản phẩm tại không gian trưng bày nước hoa Miss Saigon - thương hiệu của Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn Ảnh: HOÀNG HÙNG
  • Thực tế, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTN lâu nay chưa thực sự hiệu quả, công bằng và DN không dễ tiếp cận. Vậy vướng mắc ở đâu, do tồn tại gì?

Trong quá trình phát triển, KTTN cũng phải đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển nên chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là do nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ; do thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản chưa được bảo đảm đầy đủ. KTTN còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực; một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả, khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao…

Mặc dù từ năm 2017 đến năm 2024 đã có gần 60 luật; hơn 40 nghị quyết, pháp lệnh; khoảng 980 nghị định có liên quan đến KTTN và DN... được ban hành; 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết nhưng văn bản hướng dẫn thực hiện chậm ban hành, một số quy định hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa được đồng bộ. Trong đó, một số nội dung hỗ trợ như tư vấn quản trị DN; chuyển đổi số; khởi nghiệp sáng tạo; liên kết ngành, chuỗi giá trị… còn lúng túng khi xác định đối tượng, phương pháp thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa ở các địa phương vừa thiếu vừa yếu...

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng

  • Để DN tư nhân bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, theo ông, cần những chính sách cụ thể gì?

Để thực hiện được sứ mệnh và khát vọng đó, yếu tố quan trọng nhất là có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh thông thoáng để KTTN phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế. Theo tôi, nên thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của KTTN và có sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW, phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài và cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước. Theo đó, chúng ta cần có những chính sách, giải pháp và hành động mạnh mẽ với tinh thần “Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp bứt phá góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới”. Trong đó đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi tối đa để DN tiếp cận với những cơ hội kinh doanh; chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hiện đại hóa quản trị công, quản trị dựa trên dữ liệu

Nhà nước phải đảm bảo nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, không phân biệt đối xử giữa khu vực KTTN với khu vực kinh tế khác trong mọi chính sách; phải xây dựng pháp luật theo hướng “kiến tạo phát triển”, đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả đầu ra”, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với trách nhiệm; thực hiện nghiêm nguyên tắc người dân, DN được làm những gì pháp luật không cấm...

Hiện là thời điểm thích hợp để xây dựng cơ chế xóa bỏ các rào cản, khơi dậy sức mạnh của khu vực KTTN, góp phần quyết định vào thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045. Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đáp ứng được kỳ vọng tạo động lực mới, khuyến khích, hỗ trợ và định hướng KTTN phát triển. Trong kỷ nguyên mới, KTTN (gồm khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường.

Tin cùng chuyên mục