Dù bất kỳ thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Con đường đổi mới giáo dục đang ở những bước đầu tiên, gian nan còn nhiều, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm hơn nữa của cán bộ, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục trong việc chấn hưng giáo dục nước nhà.
Hàng triệu nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đang mỗi ngày tận tâm, tận lực, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục. Trong đó, các thầy cô vùng khó khăn, giữa thiếu thốn đủ bề vẫn miệt mài gieo chữ, vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ, cắt tóc, cắt móng tay, vá quần áo, lao động để cải thiện bữa ăn cho trò; những thầy cô trường bán trú còn thức khuya, dậy sớm, tình nguyện nấu cháo ăn sáng cho học sinh tại trường; không ít thầy cô vượt qua lũ dữ, khó khăn bộn bề để giữ các em đến trường… Do đó, mọi ngợi ca với nghề giáo, không chỉ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) hàng năm mới được thể hiện ra, mà thẳm sâu trong trái tim mỗi người dân Việt, đều dành sự biết ơn, yêu thương, trân trọng đến những người thầy. Dẫu rằng, lúc nào đó, hay ở đâu đó, còn có những muộn phiền, trăn trở thì cốt lõi, tình cảm mà xã hội dành cho các thầy cô, vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng, cao quý.
Nhiều đại biểu Quốc hội khi bàn về các luật liên quan đến giáo dục đều trăn trở với việc làm sao để thầy cô giáo không bị áp lực bởi bệnh thành tích giáo dục, bị áp lực, quá tải bởi những thứ không tên ngoài chuyên môn sư phạm. Tình cảm tri ân nhà giáo không chỉ thể hiện rình rang những lời chúc tụng, những lẵng hoa to hay các món quà trong ngày 20-11, mà sự tôn vinh ấy phải được thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trong các mối quan hệ, bao gồm sự quan tâm của các cấp chính quyền dành cho nhà trường; sự ứng xử văn hóa, đúng nghĩa “tôn sư trọng đạo” của phụ huynh, học sinh dành cho thầy cô; đời sống giáo viên phải được nâng lên để những người đứng trên bục giảng yên tâm sống được bằng đồng lương của mình.
Mọi ngợi ca, tình cảm sẽ không còn giá trị nếu chúng ta không thực sự quan tâm đến cuộc sống của thầy cô, cả về vật chất và tinh thần. Chẳng hạn về vấn đề tiền lương nhà giáo. Chúng ta vẫn khẳng định nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh, đóng vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục và Nhà nước có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, cho đến nay lương nhà giáo vẫn chưa được xếp ở mức cao nhất trong khối lương hành chính.
Trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) mà Quốc hội đang thảo luận và dự kiến thông qua ở kỳ họp đầu năm 2019, vấn đề này tuy được đề cập nhưng vẫn chưa được quy định cụ thể. Đó là lý do mà nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến cho rằng, nếu muốn xếp lương nhà giáo cao nhất, cần phải ghi rõ trong luật. Tức vấn đề lương nhà giáo phải được luật hóa cụ thể chứ không dừng ở chủ trương như bao lâu nay.
Lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc ta được giữ gìn và phát huy qua bao thăng trầm của lịch sử, là sự kết tinh của nhiều giá trị, trong đó có những đóng góp vẻ vang của biết bao thế hệ người thầy. Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục càng đặt lên vai người thầy những trọng trách to lớn. Để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương giáo dục đạo đức, là người kỹ sư tâm hồn đúng nghĩa như đòi hỏi của xã hội, thì bên cạnh vai trò và trách nhiệm của các nhà giáo được luật hóa, những chế độ, chính sách dành cho nhà giáo cũng cần được quy định cụ thể và triển khai một cách nghiêm túc.
Các nước châu Âu đều quy định mức lương tối thiểu cho giáo viên tương ứng với trình độ. Tại Pháp, lương giáo viên được trả theo nhiều yếu tố, phụ cấp của giáo viên được bổ sung theo nhiều điều kiện như thâm niên, trình độ, khu vực làm việc để khuyến khích giáo viên gắn bó với nghề nghiệp, học tập nâng cao trình độ hay xung phong đến các vùng khó khăn, cách trở về địa lý.
Giáo viên ở Nhật Bản ngoài chế độ lương theo ngạch, bậc giáo viên còn được hưởng các loại phụ cấp đặc thù, thu nhập của giáo viên vào loại khá trong xã hội. Việt Nam chúng ta cũng cần ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp nhà giáo phù hợp với lao động của nghề nghiệp. Điều quan trọng là sự đảm bảo các điều kiện cần thiết khi lao động, phương tiện vật chất để giáo viên tập trung vào chuyên môn và duy trì tự chủ về học thuật và sự thể hiện lòng say mê nghiên cứu khoa học. Làm được điều này sẽ chứng tỏ được tư tưởng cốt lõi của chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, giúp đội ngũ nhà giáo vươn lên phấn đấu với ý chí tự lực tự cường, có đóng góp quyết định đến sự phát triển của đất nước.