Trần Văn Giàu với cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Nam bộ

Trần Văn Giàu với cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Nam bộ

Là một trong những lớp đàn em được bác Trần Văn Giàu khai tâm đi theo cách mạng qua phong trào Thanh niên Tiền phong, tôi xin được ghi lại vài nét của những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Nam bộ do bác Trần Văn Giàu lãnh đạo, thay nén hương lòng kính dâng lên bác Sáu.

Giáo sư Trần Văn Giàu trao giải thưởng “Trần Văn Giàu” lần 2 năm 2005 cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về công trình “Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn”. Ảnh: MAI HẢI

Giáo sư Trần Văn Giàu trao giải thưởng “Trần Văn Giàu” lần 2 năm 2005 cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về công trình “Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn”. Ảnh: MAI HẢI

Chúng ta đều biết cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Số cơ sở cách mạng ở Nam bộ bị triệt tiêu, liên lạc với Trung ương bị gián đoạn… Trong bối cảnh ấy, những đảng viên cộng sản bị địch giam ở các nhà tù, trại tập trung đều đau đáu trong lòng trước những câu hỏi lớn: Làm sao kịp thoát khỏi tay giặc trở về gầy dựng lại phong trào để đưa cách mạng tiến lên? Khi thời cơ tới làm sao có lực lượng  để kịp cùng khởi nghĩa với miền Bắc, miền Trung?

Trong bối cảnh đó, đồng chí Trần Văn Giàu cùng 8 đồng chí vượt căng (trại giam) Tà Lài năm 1941 để trở về xây dựng lại lực lượng cách mạng. Sau một thời gian tạm lánh, các vị đã hình thành được khung Xứ ủy Nam bộ năm 1943. Tình hình thế giới đã đi vào thời kỳ rất khẩn trương: Phát xít Đức bị đánh bại ở Liên Xô và Đông Âu, phát xít Nhật thua to trên mặt trận Thái Bình Dương… Thời cơ đang đến rất gần cho các dân tộc có thể vùng lên giành lại nền độc lập dân tộc. Đồng chí Trần Văn Giàu lúc ấy là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, vẫn chưa liên lạc được với Trung ương, đang rất day dứt về đường lối chung, về lực lượng cách mạng cụ thể cần có trong tay khi thời cơ đến.

Lúc sinh thời đồng chí Trần Văn Giàu thường tâm sự với chúng tôi một số vấn đề nổi lên bấy giờ:

Một là, vấn đề đường lối cách mạng. Phải nói rằng sự mất liên lạc với Trung ương là một thiệt thòi lớn cho Đảng bộ Nam bộ. Tuy nhiên Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu không bó tay ngồi chờ. Đồng chí đã căn cứ Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương họp ở Bà Điểm năm 1939, xác định Đảng đã có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra. Nghị quyết Trung ương 6 năm 1939 viết: “Hiện nay tình hình đã có mới. Đế quốc chiến tranh, khủng hoảng cùng với ách thống trị phát xít thuộc địa đã đưa vấn đề dân tộc thành một vấn đề khẩn cấp rất quan trọng… Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mạng, cả vấn đề điền địa cùng nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết…”.

Hai là, trong cuộc chạy đua với thời gian để kịp nắm bắt thời cơ, vấn đề xây dựng lực lượng cách mạng sẵn sàng khi thời cơ đến có ý nghĩa quyết định. Làm thế nào để trong một thời gian ngắn có được một “đội quân chính trị” với số lượng và khí thế áp đảo đối tượng cách mạng mà lúc đó không phải tầm thường?

Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu trước tình hình đó đã tâm sự trong Hồi ký: “Có ba điều mà người cách mạng không thể quên: Một là cách mạng ở Nam bộ phải tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Và cuộc khởi nghĩa ở Nam bộ nhất thiết phải làm gần đồng thời với Bắc, Trung bộ. Khởi nghĩa địa phương không thể tách rời Tổng khởi nghĩa trên cả nước. Cho nên vấn đề hàng đầu là phải cố bắt cho được liên lạc với Trung ương, với Bắc, Trung bộ, đưa cuộc vận động cách mạng làm tổng khởi nghĩa vào hệ thống chỉ đạo thống nhất.

Hai là, nói tổng khởi nghĩa thì vùng đô thị, đặc biệt Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định phải là mục tiêu then chốt. Không xem nhẹ nông thôn nhưng đã nói tổng khởi nghĩa thì cách mạng chỉ thật sự thành công khi chiếm được trung tâm đầu não địch là Sài Gòn – Gia Định. Thành phố trung tâm này lại có vành đai Đỏ truyền thống ngoại thành, rất thuận lợi.

Ba là, cách mạng không phải là một “âm mưu”, hành động theo kiểu “hội kín”, mà là một cuộc nổi dậy có tính quần chúng rất rộng, rất mạnh; cách mạng không thể thành công chỉ với một số ít người dù là những người rất mưu trí, dũng cảm. Cho nên phải bằng mọi giá đưa được phong trào quần chúng lên cao trào, sôi nổi, rộng, mạnh”.

Thực tế đã diễn ra như thế nào?

Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), trong thanh niên Nam bộ đã có phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, cắm trại, hát những bài sử ca như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Người xưa đâu tá, Thanh niên hành khúc, Lên đàng... Bí thư Xứ ủy đã đến với các nhóm thanh niên ấy và đã thuyết phục họ đi với cách mạng. Đồng chí đã rất sáng tạo trong việc chuyển phong trào thanh niên từ tự phát sang tự giác trong thời điểm rất sôi nổi của những tháng đầu năm 1945.

Một cơ hội khác lại đến: Nhật muốn xây dựng một tổ chức thanh niên thân Nhật để làm chỗ dựa chính trị, mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra đảm đương việc này. Người đảng viên Phạm Ngọc Thạch báo cáo việc này với Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu. Có nên nhận làm không? Nếu làm mà Nhật chi phối phong trào thì có khác gì phong trào thể thao của Pháp do Ducoroy làm trước đây?

Bí thư Xứ ủy phân tích: Ta phải “tương kế tựu kế” chủ động đứng ra tổ chức một phong trào thanh niên yêu nước hoạt động công khai do Xứ ủy chỉ đạo, trong thời gian ngắn xây dựng được một lực lượng thanh niên đông đảo, có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hành động theo lệnh của Xứ ủy. Tổ chức Thanh niên Tiền phong đã ra đời như thế đó. Và chỉ trong vòng 5 tháng đã tập hợp được hơn một triệu đoàn viên, riêng ở Sài Gòn có hơn 200.000 đoàn viên, chưa kể 120.000 công nhân các xí nghiệp trong Tổng Công đoàn Nam bộ, nay cũng công khai nhập vào Thanh niên Tiền phong với danh nghĩa Thanh niên Tiền phong Ban xí nghiệp.

Rõ ràng, quyết định đúng đắn của Xứ ủy về tổ chức Thanh niên Tiền phong, xuất phát từ lòng tin sâu sắc vào thanh niên, vào nhân dân đã tạo bước chuyển về chất, nhanh chóng xây dựng được một đạo quân chính trị với số lượng và khí thế áp đảo, mở ra một thời kỳ Tiền khởi nghĩa với ưu thế chính trị tuyệt đối nghiêng về phía cách mạng. Đông đảo lớp thanh niên chúng tôi đã đi vào cách mạng chính từ phong trào Thanh niên Tiền phong mà công đầu xây dựng là Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Phong trào Thanh niên Tiền phong là một sáng tạo của Đảng bộ Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư. Lực lượng Thanh niên Tiền phong đã nhanh chóng chiếm lĩnh các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở phường, xã theo lệnh của Xứ ủy trong đêm 24-8-1945, góp phần quyết định vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Sài Gòn và Nam bộ; một cuộc cách mạng đã thực sự nổ ra từ trong ruột của chế độ cũ, với lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt.

Nguyễn Trọng Xuất
Tổng thư ký Ban Biên soạn Lịch sử Nam bộ Kháng chiến

Thông tin liên quan

- Giáo sư Trần Văn Giàu - Giai thoại và huyền thoại

- Nhà cách mạng lão thành, Giáo sư Trần Văn Giàu đã ra đi

Tin cùng chuyên mục