Trang bị bình cứu hỏa để nâng cao ý thức PCCC cho người dân

Đúng quy định của pháp luật
Trang bị bình cứu hỏa để nâng cao ý thức PCCC cho người dân

Thời gian gần đây, Thông tư 57 của Bộ Công an được ban hành về việc lắp bình cứu hỏa trong xe ô tô từ 4 chỗ trở lên đã thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận. Bên cạnh những ý kiến tán thành thì cũng không ít ý kiến phản biện, không đồng tình. Từ ngày 6-1, Thông tư 57 đã chính thức có hiệu lực.

Đúng quy định của pháp luật

Để giải đáp thêm thông tin cho dư luận, mới đây, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Bộ Công an đã có những phản hồi khẳng định lại căn cứ, mục đích cụ thể của Thông tư 57đồng thời nhấn mạnh “việc ban hành thông tư là đúng quy định của pháp luật, có cơ sở từ các quy định của Luật PCCC và Nghị định 79/2014/NĐ-CP”. Theo Cục, mục đích ban hành Thông tư 57 là để nâng cao ý thức PCCC cho người quản lý, người sử dụng phương tiện, giúp cho người dân có phương án, phương tiện để kịp thời xử lý cháy ô tô ngay từ khi phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, nhất là trong các tình huống xảy ra xa khu dân cư, xa cơ quan, tổ chức.

 

  Tham khảo quy định các nước:

Theo thống kê của Hội Liên hiệp ô tô Vương quốc Anh - AA, có 14 quốc gia châu Âu quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô gồm: Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Hy Lạp, Bỉ, Ba Lan, Bulgaria, Belarus, Estonia, Latvia, Romania, Macedonia, Lithuania.

Ở châu Á, chính phủ Ấn Độ đang đề xuất bắt buộc trang bị bình chữa cháy cho tất cả các loại phương tiện giao thông (cá nhân và thương mại). Ngoài ra, các nước như Nam Phi và một số nước châu Phi (Quốc đảo Mauritius, Nigeria…) cũng quy định trang bị bình chữa cháy trên xe buýt và mini buýt. Nếu không trang bị sẽ bị phạt.

 

Trả lời báo chí, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh, băn khoăn của dư luận xung quanh tính pháp lý của Thông tư 57 hướng dẫn cụ thể các danh mục, định mức bắt buộc về các trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy trên xe ôtô do Bộ Công an ban hành, cơ quan này đã vào cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra bước đầu dưới góc độ pháp lý, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy Thông tư 57 được căn cứ vào 2 luật liên quan trực tiếp là Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 79/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy. Ông Đồng Ngọc Ba cho biết, chưa có căn cứ thông tư này trái với quy định của pháp luật, kể cả yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện đường bộ. Bộ Công an có thẩm quyền quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện, định mức về phòng cháy chữa cháy trên phương tiện xe cơ giới đường bộ.

Về vấn đề xử phạt đối với chủ phương tiện không trang bị thiết bị cứu hỏa, ông Đồng Ngọc Ba cho biết Thông tư 57 của Bộ Công an không quy định về việc xử phạt như thế nào, mà chỉ hướng dẫn trang bị. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi không trang bị thiết bị cứu hỏa được thực hiện theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình là hoàn toàn phù hợp.

 Thông tư 57 hướng dẫn cụ thể các danh mục, định mức bắt buộc về các trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô. Theo đó, đáng quan tâm là các loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ bắt buộc phải có một bình cứu hỏa, thuộc một trong những chủng loại sau: bình bột dưới 4kg, bình bọt dưới 5L, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5L hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg.

Ngoài ra, Thông tư cũng khuyến khích chủ sở hữu xe, tùy từng đặc điểm của mỗi loại xe mà có thể bổ sung thêm các loại phương tiện, vật dụng phòng/chữa cháy như quần áo/mũ chống cháy, hộp sơ cứu, các dụng cụ cứu thương.

Thông tư 57 cũng khuyến cáo, các phương tiện phòng/chữa cháy trên xe ô tô cần để ở những chỗ dễ thấy, dễ lấy sử dụng nhưng không ảnh hưởng đến thao tác của người lái xe. Ngoài ra việc để các bình cứu hỏa nên tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào, đặc biệt là vào mùa hè.

Theo quy định tại Nghị định 167/2013, nếu các phương tiện cơ giới, cụ thể là các loại xe du lịch từ 4 chỗ trở lên, thiếu các phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo danh mục quy định tại Thông tư 57 sẽ chịu mức phạt từ 300.000 - 500.000 đồng.

Chọn lựa bình chữa cháy nào để an toàn?

 

 Từ năm 2011 đến nay, cả nước xảy ra trên 600 vụ cháy nổ ô tô, xe máy. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 2011-2012 rộ lên tình trạng cháy ô tô, xe máy, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và gây hoang mang trong dư luận, người dân đòi hỏi cơ quan chức năng phải vào cuộc, giải quyết vấn đề này. Chỉ trong 2 năm 2014 và 2015 đã xảy ra 253 vụ cháy ô tô, thiệt hại hàng tỷ đồng. Hiện nay cả nước có 2,6 triệu ô tô đang lưu hành và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ trong lĩnh vực này.

 

Sau khi Thông tư 57 có hiệu lực, để đảm bảo điều kiện thực thi Thông tư và điều kiện an toàn, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tiến hành khảo sát trên thị trường để định hướng cho người sử dụng phương tiện. Từ khảo sát này cho thấy trên thị trường có nhiều loại bình FireStop loại 500ml, loại 1.000ml không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng… Trong đó ghi rõ ngày sản xuất tháng 01/2016, hạn dùng đến năm 2019, 2020. Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tiến hành thử nghiệm về khả năng nổ đối với loại bình chữa cháy trên. Kết quả cho thấy khi gia tăng nhiệt độ môi trường từ 22 độ C đến 79 độ C trong thời gian 140 phút, khi chạm ngưỡng nhiệt 79 độ C thì bình FireStop loại 500ml phát nổ.

“Qua đây chúng tôi khuyến cáo người dân không sử dụng bình chữa cháy không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chưa qua kiểm định cho xe ô tô (đặc biệt bình chữa cháy nhãn hiệu FireStop); nên trang bị bình bột loại ABC (loại chữa được đám cháy chất rắn, chất lỏng, chất khí); bảo quản bình chữa cháy trong điều kiện nhiệt độ được nhà sản xuất khuyến cáo” - hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nhấn mạnh.

Giá bán các loại bình cứu hỏa ra sao? Các loại bình cứu hỏa có xuất xứ chủ yếu từ Đài Loan (Trung Quốc), ngoài ra còn có loại của Nhật, Ý, Đức, Israel… giá bán 150.000-300.000 đồng bình dưới 4kg. Cá biệt có bình châu Âu giá đến hơn 1 triệu đồng.

Nên đặt ở đâu trong xe? Hầu hết các loại xe 4-9 chỗ không có thiết kế vị trí đặt bình cứu hỏa mà chủ xe phải chế thêm. Đảm bảo quy tắc đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy không ảnh hưởng thao tác, tầm nhìn tài xế, không đặt bình ở những nơi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Những khu vực nên tránh bảng táp-lô, trụ A, khay để đồ dưới kính sau. Hai vị trí lý tưởng nhiều chuyên gia khuyên bạn chọn là phía dưới ghế tài xế và treo cạnh chỗ để chân hành khách phía trước. Loại 500ml có thể đặt ở khay đựng nước bên cánh cửa phía tài xế.

Cách sử dụng ra sao? Lắc nhẹ bình trước khi xịt để hỗn hợp khí đẩy và bột chống cháy trộn đều. Cầm bình ở tư thế thẳng đứng, hướng về phía đám cháy nhấn nút phun liên tục, không ngắt quãng, phủ kín lên bề mặt cháy cho đến khi đám cháy tắt hẳn.

 Thiên Tâm - Bá Nhân

Tin cùng chuyên mục