Trang bị cho trẻ kỹ năng sống và phòng vệ

Những ngày gần đây, liên tục xảy ra những vụ trẻ em bị tử vong vì đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật…, thậm chí bị lạm dụng tình dục, bắt cóc, giết hại. Những thông tin đó khiến những người làm cha, làm mẹ nao núng, lo âu.

Những ngày gần đây, liên tục xảy ra những vụ trẻ em bị tử vong vì đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật…, thậm chí bị lạm dụng tình dục, bắt cóc, giết hại. Những thông tin đó khiến những người làm cha, làm mẹ nao núng, lo âu.

Còn nhớ khoảng thời gian 15 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nền kinh tế đất nước và đời sống người dân vô cùng khó khăn, thế nhưng xã hội có rất ít nguy cơ đe dọa trẻ em. Cha mẹ đều rất an tâm khi cho con tự đi bộ đến trường tiểu học và về nhà, không phải lo con bị bắt cóc hoặc tai nạn giao thông. Cũng không phải lo con mua nhầm đồ chơi hay thức ăn có hóa chất độc hại. Khi con học trung học, cha mẹ cũng không phải lo con bị hư hỏng vì tệ nạn xã hội. Khi nhắc lại khoảng thời gian ấy, nhiều người vẫn bảo: “Hồi đó có muốn hư cũng không hư được - bởi không có nạn ma túy, không có băng nhóm xã hội đen, không có phim ảnh đồi trụy, bạo lực...”.

Nhắc lại một thời đã xa ấy, không phải để đòi mong xã hội lành mạnh trong cảnh nghèo khó. Ai cũng hiểu khi mở cửa với thế giới để đón gió, đón ánh sáng, cũng sẽ phải đón cả bụi bặm, ruồi muỗi vào nhà. Và trẻ em là những thành viên nhạy cảm, mong manh nhất nên sẽ dễ bị tổn thương khi đối mặt với những nguy cơ. Ngày nay, kinh tế - văn hóa - xã hội biến chuyển quá nhanh, khiến môi trường giáo dục ngày càng phức tạp, gia tăng khoảng cách giữa các thế hệ khiến suy nghĩ và hành động của lớp trẻ vượt quá tầm kiểm soát của cha mẹ.

Có rất nhiều nguy cơ dễ thấy với thể chất trẻ em thành thị ngày nay: bị béo phì do ăn nhiều chất béo; bị bệnh tim mạch do ít vận động; thị lực kém và tự kỷ do cứ lặng lẽ dán mắt vào màn hình tivi, máy tính, máy game. Trong thời buổi công nghệ, tại nhiều gia đình, trẻ em lại là người sử dụng thành thạo các sản phẩm công nghệ hơn người lớn. Thế nên mặc dù giữ trẻ ở nhà, nhiều bậc cha mẹ vẫn phải băn khoăn cân nhắc lợi và hại khi cho trẻ truy cập internet, xem tivi, xem phim. Đang có một thực tế khá lạ lùng, có khi trẻ em gia đình lao động được thả ra đường mà còn ít bị tiêm nhiễm các thói xấu, ít bị cám dỗ hơn trẻ em gia đình mẫu mực, quản lý chặt, bởi khi một mình trong phòng riêng với hàng triệu trang web đen, trẻ bị hư hỏng lúc nào không hay. Trong nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em và trẻ vị thành niên phạm pháp, các bị cáo thường khai nhận do bị kích thích, tiêm nhiễm từ phim ảnh và truyện đồi trụy.

Trong bối cảnh đó, lại rất thiếu những biện pháp hữu hiệu của gia đình, nhà trường và xã hội nhằm giúp trẻ có thể ứng phó khi gặp nguy hiểm. Dẫn chứng dễ thấy nhất là từ 3 năm nay, ngành giáo dục đã triển khai việc phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học, thế nhưng nhiều trường, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được, vì lý do thiếu hồ bơi; nơi có hồ bơi thì thiếu hướng dẫn viên. Nếu biết nghĩ đến con số khủng khiếp: bình quân hàng năm có gần 6.000 trẻ em nước ta bị chết đuối, thì các trường, các địa phương sẽ không thể chần chừ với trách nhiệm tìm cách đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất để phổ cập bơi lội.

Một dẫn chứng khác, tình trạng mua bán trẻ em, bắt cóc trẻ em, bóc lột lao động trẻ em, vẫn chưa được các cơ quan bảo vệ pháp luật ngăn chặn thật quyết liệt, xử lý thật nghiêm minh. Hàng ngày trên phố vẫn thấy cảnh những người ăn xin bế những đứa trẻ sơ sinh ngủ li bì rất đáng ngờ, nhưng không ai đến kiểm tra đó có phải là trẻ bị bắt cóc, thuê mướn dùng làm “đạo cụ” để dễ xin tiền hay không. Chính quyền và đoàn thể các địa phương cũng không thấy đứng ra bảo vệ những đứa trẻ đáng thương bị cha mẹ đẩy ra đường bán vé số tước quyền được học hành, vui chơi. Trong thời gian qua đã phát hiện trên thị trường có những sản phẩm đồ chơi, quần áo trẻ em và quà vặt dành cho trẻ em nhập từ nước ngoài có hóa chất độc hại. Thế nhưng sau đó ngành quản lý thị trường chỉ tổ chức kiểm tra tịch thu ở một vài điểm bán, rồi thôi, không thấy điều tra tận gốc để xử lý triệt để, đủ tính răn đe.

Khi môi trường xã hội thiếu sự quản lý, bảo hộ chặt chẽ và hiệu quả cho trẻ em, có phần trách nhiệm rất lớn của hệ thống chính quyền, đoàn thể, công an của từng địa phương. Còn nhớ đã từng có những gương sáng đoàn viên công an ở phường - xã tận tụy dạy chữ cho trẻ em đường phố, kiên trì tập hợp các thiếu niên quậy phá để cảm hóa. Tiếc là những việc tốt như vậy ngày càng bị lơ là, bỏ quên. Đối với ngành giáo dục, dư luận đang đòi hỏi cải tiến chương trình học để khắc phục tình trạng thiếu sót trong việc trang bị cho trẻ em đủ nhận thức, kỹ năng sống, khả năng tự vệ và biết nói không với cái xấu. Đó cũng là trách nhiệm của từng gia đình.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục