Trắng đêm cùng… “thượng đế”!

Bao nhiêu tuổi nghề, bấy nhiêu tết không nghỉ
Trắng đêm cùng… “thượng đế”!

Làm thế nào để kiểm soát hoạt động của hơn 2.000 chiếc xe khách ra vào bến hàng ngày? Làm thế nào để không xảy ra tình trạng “dồn cục” hành khách và trong 1 ngày đưa khoảng 61.000 khách “đi đến nơi về đến chốn”… Những câu hỏi làm vị Trưởng phòng điều hành Bến xe Miền Tây Thượng Thanh Hải trầm tư, quyết tâm vạch chiến lược “chỉ huy” cho đội quân 48 người (trong đó có tới 33 người là… lính tăng cường) với mục tiêu: tất cả “thượng đế” phải được đón tết ở nhà. Vì thế, trong những ngày cao điểm phục vụ hành khách đi lại vào dịp Tết Nguyên đán, tất cả cán bộ công nhân viên của phòng điều hành phải phân chia, cắt cử nhau trực suốt 24/24 giờ. Nhiều người đã không ngủ…

Bao nhiêu tuổi nghề, bấy nhiêu tết không nghỉ

Trắng đêm cùng… “thượng đế”! ảnh 1

Chị Trần Thị Thu Vân giao tờ phơi cho nhà xe lúc nửa đêm.

Nói đến nghỉ tết, tất cả 13 nhân viên cùng 3 lãnh đạo phòng Điều hành của Bến xe Miền Tây (Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây) đều nở một nụ cười và lắc đầu: “Không được nghỉ tết! Làm gì có chuyện nghỉ tết chị ơi! Sau tết nghỉ bù…”.

17 giờ ngày 21-1, Trưởng phòng Điều hành Thượng Thanh Hải nhận được 2 đơn xin nghỉ phép của nhân viên xin nghỉ vào ngày 3-2 (tức 27 tháng Chạp). Dù chỉ nghỉ trong một ngày nhưng vị trưởng phòng vẫn kiên quyết: “Trước và sau tết 10 ngày, sẽ không giải quyết phép”. Nói vậy và liếc xong hai lá đơn, anh đến vỗ vỗ vai hai nhân viên: “Ráng phục vụ bà con mấy ngày tết. Nghỉ phép thì sau tết, anh em luân phiên”.

Anh Hải cho biết, quay đi quay lại thì phòng cũng chỉ có bấy nhiêu người thôi nên vào dịp tết, tất cả quân số phải ứng trực. Bản thân anh Hải, 20 năm trong nghề, chưa lần nào “mơ tưởng” chuyện nghỉ tết. Vào những ngày cao điểm (thường từ 26 tới 30 Tết) có khi còn không được chợp mắt chút nào như đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2006, 2007…

3 giờ sáng 22-1, chị Trần Thị Thu Vân (sinh năm 1959), là nhân viên cấp phiếu đăng ký và xếp tài Phòng Điều hành đã có mặt tại bàn làm việc để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới (bắt đầu từ lúc 3 giờ 30). Hơn 10 năm gắn bó với nghề, cũng là quãng thời gian chị không được ăn tết ở nhà. Chồng là tài xế, dịp cuối năm cũng là thời điểm “lông bông” trên đường nên công việc nhà lại dồn vào đôi vai chị.

Chị cho biết, công việc ở bến xe cuối năm lu bu lắm. Lượng xe, hành khách ra vào nườm nượp, nếu “vướng” ở khâu nào đó thì cả guồng máy đang chạy phải khựng lại chờ, đợi. Vì vậy, nhân viên phải “trực chiến” với tinh thần tập trung cao. Mà để dành hết tâm trí cho công việc thì việc nhà phải… ổn ổn. Do đó, từ trước tết cả tuần lễ, chị đã sắp lịch cho con cái đi chơi tết, trông coi nhà cửa, thăm nom ông bà nội. “Lúc trước, các cháu còn nhỏ, lễ tết là tôi phải nhờ người trông nom. Nhà ở tận Bình Thạnh nên nếu nhà có việc, nhiều khi phải ở bến xe… chỉ đạo từ xa chứ cũng không về được”- chị bồi hồi nhớ lại.

21 năm trong nghề cũng là 21 năm anh Nguyễn Ngọc Hà (sinh năm 1953) là nhân viên ký bến đến - bến đi luôn “nếm mùi” đón tết ở bàn làm việc. Vợ công tác tại phòng bán vé của Bến xe Miền Tây nên gần như với gia đình, tết chỉ có một từ  là “công việc”.

Mặc dù chưa tới 4 giờ sáng nhưng cuộc nói chuyện của chúng tôi luôn bị đứt quãng bởi anh luôn tay phải ký xác nhận bến đến - bến đi cho các chủ xe khi họ tới đưa “Sổ nhật trình chạy xe”. Anh Hà cho biết: “Từ ngày 3 tới ngày 6-2, chúng tôi phải làm thâu đêm. Cán bộ công nhân viên của phòng cắt cử thay nhau trực 24/24 giờ. Trong dịp phục vụ tết thì chỉ có ngày mùng 1 Tết là ít khách đi lại (khoảng 8.000 người) nhưng công việc không vì thế mà vơi bớt. Bởi, các xe thay đổi lịch xuất bến thì bến xe cũng phải điều chỉnh giờ giấc xuất bến. Việc cứ như con mọn, không lúc nào được ngơi tay nên anh em cũng chẳng còn thời gian mà buồn ngủ. Làm ở đây lâu nên mọi người cũng quen và cứ mỗi lần đến tết, anh em lại bảo nhau “Một năm mới có một lần” và cố gắng. Vả lại, nhìn bà con đi lại đông đúc, an lành vui vẻ là chúng tôi thấy thoải mái, vui lắm!”.

“Thượng đế” phải được đón tết ở nhà

Trắng đêm cùng… “thượng đế”! ảnh 2

Anh Nguyễn Ngọc Hà (bên phải) đang xác nhận bến đến - bến đi cho nhà xe vào rạng sáng ngày tết.

Anh Hải cho biết từ trước tết, Bến xe miền Tây đã dự tính cao điểm đi lại trong dịp tết năm nay sẽ “rơi” vào các ngày từ ngày 3 tới 6-2 (tức 27, 28, 29 và 30 Tết) và bến xe sẽ đón khoảng 61.000 lượt người/ngày.

Như vậy, so với lượng khách ngày bình thường  khoảng 11.000 lượt người/ngày thì số khách ra vào bến vào dịp tết tăng gấp gần 6 lần. Với con số khách tăng “khủng khiếp” đó, biện pháp đầu tiên là phải chuẩn bị lượng xe tương đối dồi dào (hơn 2.000 xe) để đáp ứng nhu cầu và có phương án điều xe phục vụ kịp thời.

Nếu xảy ra sự cố xe sắp lên tài bị hư hoặc xuất hiện tình trạng dồn cục khách, nhân viên phòng điều hành sẽ điều động xe thay thế để đảm bảo tất cả “thượng đế” kịp về đón tết ở nhà! Nếu như ngày thường, 1 xe phải chờ tài (đậu trong bến đợi khách) từ 20 phút đến 1 giờ 30 thì ngày tết, cứ 5, 10 phút là mỗi tuyến lại có một xe xuất bến và hàng ngày có tới  2.800 lượt xe ra vào.

Ngoài việc chuẩn bị xe, công tác chuẩn bị nhân lực còn… căng hơn. Các nhân viên trong phòng được thông báo sơ bộ kế hoạch tết từ đầu tháng 1 để chuẩn bị, sắp xếp việc nhà trong dịp tết. Tết nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp vận tải tự đưa ra giá vé, in vé và bán. Tuy nhiên, có hơn 80 doanh nghiệp vận tải ủy thác cho Bến xe Miền Tây bán vé hộ thay vì các doanh nghiệp này phải bố trí nhân viên và thuê quầy bán vé (sẽ “độn” thêm giá thành).

Nhưng các doanh nghiệp tự xây dựng giá vé (cơ quan quản lý chỉ can thiệp bằng cách khống chế tỷ lệ tăng cao nhất) nên xuất hiện tình trạng… trăm giá đua nở. Trên cùng một tuyến nhưng mỗi doanh nghiệp một mức giá khác nhau. “Đây là khó khăn chúng tôi mới gặp trong năm nay khiến công việc nhiều thêm. Chúng tôi phải làm thêm công đoạn thống kê giá vé của các doanh nghiệp ủy thác (trên từng tuyến) rồi bán trước (tích-kê) cho hành khách với mức giá cao nhất trong tuyến. Sau đó, hành khách đi vào lúc nào, bến xe sẽ đổi tích-kê thành vé xe (sắp xuất bến) cho khách. Trường hợp xe chuẩn bị xuất bến gần với lúc hành khách đi có giá vé xe đăng ký thấp hơn mức cao nhất của tuyến, bến xe sẽ trả lại tiền chênh lệch cho khách”- anh Hải cho biết.

Thời gian chờ tài ngắn trong khi lượng khách tập trung quá lớn nên không để hạn chế tình trạng khách bị “lạc” xe hay nhà xe không tìm thấy khách, Bến xe Miền Tây và Phòng điều hành đã tăng cường lực lượng hướng dẫn, bảo vệ, giữ gìn trật tự (gồm 100 người) đứng từng khu vực ô đậu xe.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2008, Bến xe Miền Tây đã phải tăng cường 21 sinh viên Trường ĐH KHTN TPHCM và điều 12 cán bộ từ các phòng ban của bến xe sang bộ phận bán vé và điều hành. Từ ngày 15-1, phòng đã đưa ra bảng phân công công việc cho từng tổ, các thành viên phải học thuộc để cứ đến giờ “G” là… chạy! Tần suất xuất bến nhanh nên tất cả các khâu: cấp phiếu đăng ký, sắp xếp tài, xác nhận bến đến - bến đi, kiểm soát vé… phải đảm bảo nhuần nhuyễn, ăn khớp với nhau. Công việc khiến mọi người quay như chong chóng, quên cả tết về...

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục