Tranh giả và góc nhìn thật

Trước phiên đấu giá Modern Art Day Sale (diễn ra lúc 15 giờ 30 ngày 10-10 tại Sotheby’s Hong Kong), đã có ít nhất 2 lô hàng bị nghi ngờ là đồ giả, đồ nhái. 

Đó là bức tranh Landscape, Cát Bà River (tạm dịch: Phong cảnh sông Cát Bà, lô 717) được cho là của Bùi Xuân Phái và bức chấn phong L’image Traditionnelle d’une Maison de Paysan (tạm dịch: Nhà xưa của nông dân, lô 778) được cho là của Nguyễn Văn Tỵ.

Các cứ liệu cho thấy, 2 bức tranh gốc, hoặc có mức độ khả tín cao hơn, đang ở trong bảo tàng tư nhân tại Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Chuyện đồ giả, đồ nhái khá phức tạp và tinh vi, khó quy nạp vào một vài cách thức cụ thể, nhưng với tranh thì như vết dầu loang, khá rõ, đó là đi từ các tác giả bán chạy, nổi tiếng trước, loang đến các tác giả ít bán chạy, ít nổi tiếng. 
Nhìn lại lịch sử, từ năm 1878 tại thủ đô Paris nước Pháp, văn hóa - nghệ thuật Đông Dương đã xuất hiện trong một triển lãm quốc tế; rồi tiếp tục xuất hiện rầm rộ trong các triển lãm, đấu xảo quốc tế như Lyon (Pháp) 1894, Paris (Pháp) 1900, Hà Nội 1902, Marseille (Pháp) 1906,  Bruxelles (Bỉ) 1910, San Francisco và New York (Mỹ) 1939… Nhưng hầu hết được làm từ nhãn quan của nước Pháp, nhằm giới thiệu, khoa trương hình ảnh tươi đẹp của “mẫu quốc” ở các thuộc địa. 
Một thế kỷ sau, ngày 21-5-2016, Art-Valorem mới đứng ra làm phiên đấu giá “Huyền bí và hiện thực Đông Dương 1860-1945”, gần như riêng về văn hóa - nghệ thuật, tranh Việt Nam. Và từ đó đến nay, tại Pháp, thỉnh thoảng lại có các phiên đấu giá “chuyên” Việt Nam như vậy, mà Peintres & Arts du Vietnam của Aguttes vừa làm chiều ngày 30-9 vừa qua là một ví dụ. Sotheby’s và Christie’s cũng đã từng làm các phiên ưu tiên về tranh và cổ vật Việt Nam. Điều này cho thấy vị thế của văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nói chung, tranh Việt nói riêng ngày có sức hút tự nhiên.
Bởi, các phiên đấu này được làm hoàn toàn theo nhu cầu tự thân của thị trường, thương mại, nghĩa là không chịu nhiều sự chi phối về định hướng, giới thiệu, khoa trương. Đây là một tín hiệu đáng quý, cần gìn giữ, phát huy, đừng để thị trường quốc tế mất niềm tin vì nạn đồ giả, đồ nhái lộng hành, rồi quay lưng hoàn toàn. Do đó, cần sớm kiện toàn và cập nhật các trung tâm giám định, các chế tài pháp luật để có thể xử lý nghiêm minh, khoa học các vụ việc liên quan đến đồ giả và đồ nhái. Đừng để những cá nhân như Jean-Francois Hubert và các sự kiện như triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (2016) tiếp tục lộng hành. Chính các chế tài và cách thức quan hệ quốc tế hợp lý, khoa học, sẽ làm cho các nhà đấu giá cẩn thận hơn khi làm việc với tranh Việt nói riêng và văn hóa - nghệ thuật nói chung. Mà không chỉ có áp lực, chính sự minh bạch về chế tài cũng sẽ giúp các tổ chức quốc tế yên tâm hơn, có niềm tin nhiều hơn. 
Có hiện tượng chảy máu chất xám trong mỹ thuật hiện đại không? Rõ ràng là có, vì suốt thế kỷ 20, do hoàn cảnh khách quan và cả thực tế từ nhu cầu thị trường, chỉ nói riêng tranh Việt, phần lớn tác phẩm đẹp đã ở nước ngoài. Nhưng việc “chảy máu” này cũng có cái hay, đó là gián tiếp quảng bá và gìn giữ tranh Việt trong cộng đồng quốc tế, để ngày nay mới có cuộc hồi hương những kiệt tác như Người bán ốc (đấu giá gần 600.000 USD) và Em bé cho chim ăn (hơn 853.000 USD) của Nguyễn Phan Chánh. Chính thị trường quốc tế đã góp phần đáng kể trong việc định danh giá trị và giá cả cho tranh Việt, nên thị trường nội địa càng phải quyết liệt hơn trong việc đấu tranh, bài trừ nạn đồ giả, đồ nhái. 

Tin cùng chuyên mục