Tránh mở cửa nhanh hơn cam kết

Tránh mở cửa nhanh hơn cam kết; cam kết mở cửa cần phù hợp với thời gian tối thiểu để phát triển năng lực sản xuất công nghiệp trong nước; thiết kế các biện pháp bảo hộ tinh vi hơn nhưng vẫn phù hợp với các cam kết hội nhập… - đó là một số lưu ý quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Trên cơ sở phân tích những thách thức chung đối với nền kinh tế Việt Nam, báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này tại hội thảo “Tác động của các hiệp định thương mại tự do và đầu tư song phương tới các mục tiêu phát triển của Việt Nam”(do CIEM tổ chức sáng 29-6) đã đi sâu phân tích về hai ngành kinh tế được coi là có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (dù ở những mức độ khác nhau): ngành điện tử và ngành chế biến thực phẩm.

Nghiên cứu nói trên chỉ ra rằng, ngành điện tử phụ thuộc quá lớn vào linh kiện nhập khẩu (14,3% - 43,4% kim ngạch xuất khẩu có nguồn gốc từ nhập khẩu). Tỷ lệ này thậm chí còn tăng lên trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp điện tử cũng chỉ mới tham gia vào các công đoạn sản xuất giản đơn như lắp ráp, đóng gói… và chưa thể tăng đáng kể phần đóng góp vào giá trị gia tăng của sản phẩm cuối cùng. Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM Nguyễn Anh Dương ví von: “Không gian chính sách giống như một con đường, giờ thấp điểm có khi không sử dụng hết, nhưng đường phải rộng thì dù đường đông, xe cứu hỏa vẫn có thể vượt lên khi cần thiết”.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp hiện nay quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là tạo lực “đẩy”, mà chưa tạo ra lực “kéo” (tạo liên kết, phát triển nguồn nhân lực, giúp xây dựng thương hiệu, cân đối hơn ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp FDI…) đủ mạnh. Đặc biệt, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, các rào cản kỹ thuật chưa được thiết kế đủ “tinh vi” để không vi phạm cam kết mà vẫn bảo hộ được sản xuất trong nước. Chuyên gia này kể lại, khoảng 10 năm trước, nhiều loại máy ảnh trên thị trường thế giới có chức năng quay phim, nhưng đều không thể quay phim được quá 30 phút. Giới hạn thời lượng quay phim chính là một rào cản kỹ thuật khôn khéo được nhiều nước áp dụng để tránh việc các nhà xuất khẩu nhập nhèm giữa máy ảnh với máy quay phim (vốn phải chịu thuế suất nhập khẩu cao hơn nhiều so với máy ảnh). “Những rào cản tinh vi kiểu như thế thì Việt Nam chưa có”, ông Nguyễn Anh Dương bình luận.

Một ngành khác - ngành chế biến thực phẩm - được coi là một ngành có tiềm năng phát triển mạnh, nhưng lại rất dễ bị tổn thương do nguồn cung không ổn định và chất lượng nguồn nguyên liệu thấp, công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu phải đối mặt với nhiều rào cản khó tiên liệu của các thị trường khách hàng, bao gồm các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật, thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá… Bản thân những đòi hỏi này có thể vượt quá trình độ sản xuất, công nghệ của Việt Nam (trường hợp vải tươi xuất sang Mỹ và Australia được yêu cầu phải chiếu xạ ở Việt Nam trước khi xuất khẩu là một ví dụ). Đồng thời, do đã xuất khẩu những sản phẩm tốt nhất, Việt Nam lại phải dựa nhiều hơn vào sản phẩm nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm và các biện pháp phi thuế quan được nới lỏng. Sau chuyến khảo sát thực tế tại An Giang, chuyên gia Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý kinh tế Economica Việt Nam, chua chát nhận xét: “Một địa phương trên cạn là lúa gạo, dưới nước là cá tôm như An Giang mà nhiều hộ nuôi thủy sản phải “treo ao”, vì sao? Dường như cả các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều nhìn thấy ở hội nhập nhiều thuận lợi hơn là khó khăn, trong khi vai trò của các hiệp hội thì còn mờ nhạt, chưa thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho hội viên chống lại các vụ kiện và tranh chấp quốc tế. Tóm lại, các hiệp hội vẫn chưa làm được những việc mà lẽ ra họ phải gánh vác, vì Nhà nước không thể làm khi chúng ta đã tham gia các hiệp định thương mại tự do”.

Có lẽ thông điệp quan trọng hơn cả nổi lên từ cuộc hội thảo này chính là việc duy trì không gian chính sách cần thiết để có thể sử dụng nhiều công cụ chính sách công nghiệp trong các thập kỷ tới. “Mở cửa để tăng thương mại là cần thiết, nhưng cần đảm bảo Việt Nam có sản phẩm trao đổi thương mại và hưởng lợi từ hoạt động thương mại là ưu tiên rất quan trọng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến tốc độ tự do hóa, vì nâng cao năng lực sản xuất trong nước cũng đòi hỏi khá nhiều thời gian”, nhóm tác giả của CIEM nêu trong báo cáo. Ngược lại, tiến trình tự do hóa đối với một số nhóm ngành công nghiệp khác (như phân bón, thuốc trừ sâu) lại cần đẩy nhanh nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành nông nghiệp và theo đó là chế biến thực phẩm...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục