Trao truyền nghệ thuật chiêng ba

Cả đời họ gắn bó với làng quê, ruộng rẫy. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) là vui và họ càng nâng cao ý thức cộng đồng, cố gắng trao truyền cho các thế hệ về nghệ thuật đánh chiêng, góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Hrê.
Ba anh em NNƯT Phạm Văn Vễ, Phạm Văn Rôm và Phạm Văn Nhót (thôn Phan Vinh, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) tấu chiêng ba
Ba anh em NNƯT Phạm Văn Vễ, Phạm Văn Rôm và Phạm Văn Nhót (thôn Phan Vinh, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) tấu chiêng ba

Tiếng chiêng truyền đời

Tháng ba, dòng sông Liêng nước trôi êm đềm. Trên cánh đồng lúa chín vàng, con đường từ quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên thuộc địa bàn xã Ba Thành về thôn Phan Vinh, xã Ba Vinh - vùng căn cứ xưa của Đội du kích Ba Tơ, hoa gạo nở đỏ ối. Đồng bào dân tộc Hrê bây giờ không còn ăn tết truyền thống vào tháng ba như ngày xưa nữa, nhưng họ vẫn cúng mừng mùa lúa mới và thức cùng tiếng chiêng…

Nhà NNƯT Phạm Văn Vễ nằm ở bên đường. Nghe hỏi chuyện về chiêng ba, vẫn cung cách của đồng bào dân tộc “trăm nghe không bằng một thấy”, ông vội đi lấy cái bằng chứng nhận Nghệ nhân ưu tú treo trang trọng ở nhà sàn cho tôi xem. Ông nói: “Mình được địa phương tổ chức trao bằng khen tặng danh hiệu vào tháng 11-2022. Cũng nhờ các anh ở xã và Phòng Văn hóa huyện hướng dẫn thủ tục cho đó”. Nói rồi, ông đi nhanh vào góc nhà, đem bộ chiêng ba gồm ba chiếc: chiêng k’tum (còn gọi là chiêng cha), chiêng vồng (còn gọi là chiêng mẹ) và chiêng túc (còn gọi là chiêng con).

Màu thời gian đọng đầy trên từng chiếc chiêng với sống chiêng đen láng và hồng tâm lấp lánh ánh đồng. Ông giải thích: “Bộ chiêng này không phải mình mua đâu, của ông bà để lại. Để sở hữu nó, ngày trước phải đổi bằng những con trâu. Hết lớp (thế hệ - PV) này tới lớp khác đều sử dụng chiêng đó. Nhưng chiêng ba phải có ba người đánh. Một mình không đánh được đâu”. Ông lập tức đi gọi thêm NNƯT Phạm Văn Rôm và Phạm Văn Nhót (em ruột của ông) để cùng tấu chiêng.

Dưới mái nhà sàn vang vọng tiếng chiêng. Âm thanh băng qua khe suối, vọng lên núi đồi, lúc vui tươi thánh thót, lúc lên bổng xuống trầm như đời người nơi làng quê đi qua những mùa bão tố rồi mùa xuân yên vui, như vòng đời của đồng bào dân tộc được cha mẹ sinh ra, lớn lên, thương nhau thành vợ thành chồng…

Hồn chiêng

Trong số ba người, NNƯT Phạm Văn Nhót trẻ nhất. Anh sử dụng chiêng con. Khác với chiêng cha, chiêng mẹ, chiêng con treo trên dây và người tấu chiêng thường dùng khăn quấn trên tay để đánh. Chiêng con giữ nhịp cho chiêng cha, chiêng mẹ nên người đánh càng phải linh hoạt. Tấu xong một bài chiêng, anh Nhót dừng lại, nói: “Đó là bài tấu chiêng trong ngày tết. Ngày xưa cứ sau mùa thu hoạch lúa vào tháng ba, khi lúa gặt phơi đổ vào bồ xong là đồng bào ăn tết. Ngày tết ai mà chẳng vui nên tiếng chiêng vì thế mà trong trẻo, lảnh lót hơn”.

Trong câu chuyện kể, cả ông Rôm, ông Vễ và anh Nhót đều cho biết, biết đánh chiêng là lẽ tự nhiên. Bởi ở làng, cứ đến ngày tết, ngày lễ ăn trâu, mừng mùa lúa mới, sau khi cúng Giàng, mời nhau ăn uống là bà con đem chiêng ra đánh. Mỗi khi người lớn đánh chiêng thì đám trẻ xúm lại xem. Xem hoài, xem mãi nên thuộc lòng nhịp chiêng, rồi khi người lớn chơi chán thì đám trẻ tranh thủ xin tự đánh. Đánh chưa đúng thì có người lớn chỉ bày. Lần hồi đám trẻ trong làng đều biết đánh chiêng.

“Tuy vậy, tấu chiêng hay là điều khác biệt. Mỗi khi tấu lên là như suối nguồn, như tiếng nói từ ngàn xưa của cha ông vọng về. Thế nên mỗi khi tấu chiêng là mình thấy người rạo rực say mê”, ông Vễ bộc bạch. Còn với người làng thì qua nhịp, qua tiếng ngân của chiêng, bà con biết ai đánh. Rồi cũng từ say mê tiếng chiêng, những nghệ nhân chiêng ba ở Ba Tơ đến với những cuộc thi cấp xã, cấp huyện, rồi liên hoan nghệ thuật toàn quốc, khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tháng 2-2021, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê ở huyện Ba Tơ được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Năm 2022, bốn nghệ nhân gồm: Phạm Văn Sây (xã Ba Thành) và Phạm Văn Vễ, Phạm Văn Rôm, Phạm Văn Nhót (xã Ba Vinh), huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT.

Một điều đáng nói là qua nhiều đợt liên hoan nghệ thuật, được giao lưu với các nghệ nhân cả nước, những nghệ nhân chiêng ba ở Ba Tơ đều nhận ra rằng, mỗi dân tộc đều say với nhạc cụ của mình và muốn khá hơn lên cần có sự nỗ lực nhiều hơn. Cái hay của nghệ thuật tấu chiêng không dừng ở kỹ thuật diễn tấu, mà phô diễn hình thể. Ông Vễ kể: “Vợ mình hát hay, múa giỏi. Cứ nghe cô ấy hát điệu ka lêu là nức nở trong lòng. Mình mê cô ấy từ tiếng hát, điệu múa. Còn cô ấy mê mình gõ túc chiêng. Rồi bao lần đi liên hoan nghệ thuật, bao đêm trăng hò hẹn, chúng mình thành vợ thành chồng”. Bây giờ con cái lớn cả rồi, đã có cháu nội, nhưng vợ chồng ông Vễ hiếm khi vắng mặt trong những đêm hội diễn của làng, của xã. Có khi cả hai không biểu diễn, nhưng đến xem, nghe các em, các cháu biểu diễn là phấn khởi lắm.

Nghệ nhân Phạm Văn Sây ở xã Ba Thành tâm sự: “Khác với ngày xưa, bây giờ miền núi phát triển, ai cũng có một chiếc điện thoại di động để dùng, tha hồ nghe các làn điệu âm nhạc. Nhưng trên đồi nương, nhất là những đêm trăng sáng, bà con vẫn hát điệu ka lêu, ca choi và ngày lễ tết nhất định phải tấu chiêng”. Chính vì vậy nên ban đầu vẫn cứ là hình thức truyền dạy cho nhau như từ ngàn đời, nhưng rồi khi nghệ thuật tấu chiêng ba và dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Hrê được Nhà nước công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, huyện Ba Tơ đã cấp kinh phí mở những lớp dạy tấu chiêng, hát ka lêu, ca choi, mở lớp dạy dệt thổ cẩm thì việc truyền dạy phát triển hơn nhiều.

NNƯT Phạm Văn Sây kể: “Lâu rồi, mỗi khi thấy các em, các cháu đánh chiêng chưa đúng thì mình vẫn sửa, nhưng tập hợp các em đến lớp chỉ dạy một cách bài bản thì…”. Anh bỏ dở câu nói. Mỗi lần nghe các em gọi “thầy Sây”, anh ngại vô cùng. Nhưng khi ngại ngùng qua đi, anh Sây cùng các nghệ nhân lại say sưa chỉ bày cho các em, cứ thế bây giờ những đứa như thằng Dút, thằng Vông và rất nhiều đứa trẻ khác tấu chiêng hay lắm. Sự thích thú của người trẻ làm ấm lòng người già, bởi lâu rồi bà con lo ngại sự mai một của nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghệ thuật tấu chiêng.

Tôi đã từng nghe tấu chiêng bên nhà sàn trong ngày tết, lễ hội ăn trâu và nhiều đêm công diễn văn nghệ trên địa bàn huyện Ba Tơ. Trong âm thanh rộn ràng, tiếng hát ka lêu nức nở, càng hiểu thêm sức sống tự ngàn đời của đồng bào dân tộc Hrê giàu bản sắc. Tôi tin rằng, những bộ môn nghệ thuật của đồng bào như dòng sông Liêng, sông Re có khi vơi, khi đầy, nhưng sẽ chảy mãi trong lòng dân.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho hay: Những nghệ nhân tấu chiêng ba là vốn quý của huyện trong việc bảo tồn văn hóa độc đáo của người Hrê. Họ đang truyền dạy cho lớp trẻ không chỉ nắm vững kỹ thuật tấu chiêng mà cao hơn là góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số trên vùng cao Ba Tơ. Trong kế hoạch phát triển du lịch về với vùng quê cách mạng, vùng An toàn khu Ba Tơ có xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật của dân tộc Hrê mà tấu chiêng ba là bộ môn không bao giờ thiếu.

Cuộc thi Tỏa sáng Giá trị Việt năm 2023-2025 do Báo SGGP phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm góp phần tôn vinh các cá nhân, tập thể có những hoạt động ý nghĩa, những thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực; khuyến khích sáng tạo các tác phẩm báo chí, video clip khắc họa những gương điển hình người tốt - việc tốt, các nhân tố mới với những việc làm, hoạt động, sáng kiến, thành tích nổi bật, để lan tỏa sản phẩm, các giá trị của Việt Nam, góp phần phát triển đất nước, xây dựng hình mẫu, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Tổng trị giá giải thưởng là: 1,07 tỷ đồng.

Lễ công bố, trao giải thưởng cuộc thị dự kiến diễn ra vào ngày 21-6-2025. Mời bạn đọc quét mã QR xem chi tiết thể lệ cuộc thi.

Tin cùng chuyên mục