Trẻ con phải biết xem kịch

Tuần vừa rồi, một người bạn của tôi đi xem vở Bông cúc xanh trên đầm lầy ở Nhà hát Quân đội (quận Tân Bình, TPHCM), kể: “Vào cửa miễn phí mà mấy mẹ con mình thuộc diện khán giả trẻ nhất”. 
Còn tôi, cũng hôm ấy cố đánh thức đứa con 3 tuổi ho cành cạch cả đêm, muốn ngủ nướng dậy: “Hôm nay có kịch ở trường, nghỉ học thì tiếc lắm”. Tỉnh ngủ ngay. Đấy là chuyện ở châu Âu.

Tính ước lệ của kịch, chứ không phải phim, luôn đem lại cho khán giả, đặc biệt khán giả nhỏ trí tưởng tượng phong phú. Chuẩn mực đài từ, cũng từ kịch, cho người xem thấm và ngấm vẻ đẹp long lanh, ngọt ngào của ngôn ngữ, của tiếng mẹ đẻ. Nghệ thuật này gieo mầm trong tâm hồn người sống ở châu Âu từ rất sớm. 

Tại Ba Lan, từ 3 tuổi trẻ đã được đi nhà hát hoặc xem các đoàn - nhóm kịch chuyên nghiệp đến trường biểu diễn, đều đặn vào một ngày cố định trong tuần. Xem ở trường miễn phí, còn đến nhà hát thì giá vé từ 2- 5 EUR/trẻ, tùy vở kịch và tùy nhà hát. Ngoài ra, nhiều trường, nhiều vùng còn tổ chức cho cha mẹ học sinh tập kịch để mỗi năm lên sân khấu biểu diễn ít nhất một lần cho các con xem. Đến lượt bọn trẻ, mỗi năm cũng đóng kịch hai lần, khán giả chính là ông bà và cha mẹ. 

Cho nên, bất kể phim ảnh bùng nổ các kiểu bom tấn kỹ xảo thế nào, đời sống riêng của kịch, ánh sánh riêng của kịch, đi xem kịch vẫn là thứ giải trí xa xỉ, là hoạt động văn hóa cao người ta muốn được tham gia. Xem kịch để ăn mặc đẹp hơn ngày thường. Vào nhà hát để được cùng nghệ sĩ sống vài giờ trong thánh đường lộng lẫy. Và những độc thoại nội tâm trên sân khấu kia tràn xuống thành trăm ngàn cuộc đối thoại, tâm tình trong lòng mỗi khán giả. Vì thế, không có chuyện miễn phí, vé xem kịch thường rất đắt, và phải đặt mua trước từ nửa năm đến cả năm. 

Cứ thế, khán giả lớn lên cùng kịch. Hôm ấy, con gái 3 tuổi của tôi đến trường được xem vở Een vogel voor de poes - tạm dịch Chim đậu miệng mèo. Anh trai đang học lớp hai bậc tiểu học cũng được xếp chỗ xem cùng. Gọi là Theater Bizzar - Nhà hát Bizzar, nhưng chỉ có hai diễn viên nghệ danh Vicky và Ricky. Kẻ chuyên vai nghịch ngợm, người tỏ vẻ láu lỉnh trải đời. Sân khấu rất giản tiện, khoảng trống 25m² và một ổ cắm điện, thế là đủ. Gia tài của Nhà hát Bizzar có gần chục vở hài kịch ngắn cho trẻ em từ 3- 10 tuổi. Mỗi vở diễn khoảng 50 phút, lấy tiếng cười làm chủ đạo, từ đó lồng ghép những thông điệp nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi...

Không cần biết cha mẹ có yêu cầu, có thích cho con xem kịch hay không, cuối tháng này hóa đơn nhà trường gửi về cho tôi sẽ kê thêm 8 EUR (mỗi bé trả 4 EUR). Buổi diễn gần một tiếng ấy của Nhà hát Bizzar, cho mỗi trường khoảng 150 em có giá là 375 EUR. Nhưng trường của bọn trẻ nhà tôi hơn 300 học sinh, hôm đó phải đặt hai suất: suất sáng diễn cho nhóm mẫu giáo nhỏ và nhóm tiểu học, suất chiều phục vụ mẫu giáo lớn. suất biểu diễn thứ hai trong ngày được giảm còn 250 EUR. Như vậy, một ngày, Nhà hát Bizzar thu được tại trường này khoảng 600 EUR. Mỗi năm học, trẻ em xem kịch ở trường từ 3- 5 lần. Cứ thế nhà trường đảm nhận trách nhiệm giáo dục thẩm mỹ cho trẻ từ rất sớm. Còn các nghệ sĩ, cứ làm việc thế này lo gì thiếu khán giả, ngược lại, có lượng khán giả là học sinh rất ổn định, thu nhập tốt nhờ nghệ thuật, sống khỏe vì nghệ thuật. 

Tin cùng chuyên mục