Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 6 tháng cuối năm, Bộ Công thương cho biết, tình hình sẽ tiếp tục khả quan. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 366.110 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,12 tỷ USD (bằng 53% kế hoạch kim ngạch xuất khẩu do Chính phủ giao), tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009, tương đương với 4,37 tỷ USD. Bình quân trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,35 tỷ USD/tháng, mức cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, dù kết quả 6 tháng đạt được nhiều tích cực nhưng nền kinh tế những tháng còn lại sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là chất lượng sản xuất công nghiệp chưa đảm bảo, chi phí trung gian còn lớn nên hiệu quả thực sự chưa cao. Đáng lo ngại hiện nay là tình trạng khô hạn kéo dài dẫn đến nguồn cung điện ảnh hưởng, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhìn nhận, dù thông cảm với ngành điện vì lý do bất khả kháng nhưng với việc cắt điện hơn 6 ngày/tháng trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, đặc biệt là doanh nghiệp dệt, nhuộm. Nếu không bị tác động của việc tiết giảm điện, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua của ngành dệt may sẽ tăng hơn 300 triệu USD so với con số hơn 4,8 tỷ USD đã đạt được.
Cùng với trở ngại về tình hình cung ứng điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá đầu vào sản xuất tiếp tục tăng nhanh hơn giá bán sản phẩm nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không cao; việc vay vốn tín dụng cho đầu tư; tình hình nhập khẩu vẫn tăng cao, tỷ lệ nhập siêu giảm chậm. Tình hình xuất nhập khẩu còn có những biến động khó lường. Một số chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam có thể thay đổi theo hướng bất lợi (xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ, giày dép sang EU…). Đặc biệt, xuất khẩu dù tăng nhưng chưa vững chắc, nhiều mặt hàng đã đến “ngưỡng” nên muốn thúc đẩy tăng trưởng thêm cũng sẽ là một thách thức lớn.
Chính vì vậy, yêu cầu được đặt ra với các tập đoàn trụ cột của Nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam cùng các nhà sản xuất điện khác cần phối hợp huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng tối đa nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Còn Bộ Công thương, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về vấn đề này, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo các mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, để tăng cường xuất khẩu, Bộ Công thương cần phối hợp với các hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rà soát khả năng về mặt hàng, thị trường xuất khẩu, xác định các mục tiêu cụ thể và biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh để xây dựng thị trường, nhóm thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Cần nâng cao vai trò của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc chủ động nắm bắt tình hình chính sách của nước nhập khẩu liên quan và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam để phổ biến, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng các giải pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu tại một số thị trường trọng điểm.
NGỌC QUANG