Triệu phú miệt vườn sống xứng đáng với đồng đội

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm ông Phan Hồng Oanh (SN 1947, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động 2, biệt động thành Đà Nẵng) ngụ khu phố 5, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai - một cựu tù Côn Đảo. Sau khi nghỉ hưu, ông Oanh tiếp tục làm kinh tế, vươn lên có cuộc sống khá giả.
Từ cựu tù Côn Đảo, ông Phan Hồng Oanh trở thành triệu phú miệt vườn
Từ cựu tù Côn Đảo, ông Phan Hồng Oanh trở thành triệu phú miệt vườn

Vượt ngục trở về

Nhà ông Oanh khá khang trang, rợp bóng mát bởi vườn măng cụt, chôm chôm. Đang mùa thu hoạch măng cụt nên ông Oanh tất bật công việc thu gom trái cây, đóng gói bán cho khách. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Oanh kể, đội Biệt động 2 của ông với 30 người hoạt động trong nội thành Đà Nẵng. Đội có nhiệm vụ đánh chớp nhoáng vào các tụ điểm quân địch tụ tập số đông như nhà hàng, khách sạn, đồn bốt, trụ sở đóng quân nhằm tiêu hao lực lượng địch.

Năm 1969, ông cùng 2 đồng đội dùng thuốc nổ, lựu đạn tấn công vào tụ điểm ăn chơi của sĩ quan Mỹ trên đường Bạch Đằng. Địch lùng sục và bắt được ông khi đang lẩn trốn trong một khu vực ở nội thành. Địch tra tấn ông bằng roi điện, giật điện, dìm nước nhưng không khai thác được gì, sau đó đày ông ra Côn Đảo. Ông Oanh cùng các tù chính trị ở Côn Đảo thường xuyên tổ chức chống ly khai, chống tố cộng, đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Ông nói: “Đó là trận địa không tiếng súng, chiến đấu với kẻ thù bằng khối óc, con tim và nghị lực phi thường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ khí tiết, phẩm chất chính trị của người chiến sĩ cách mạng”.

Sau Hiệp định Paris, địch đưa ông Oanh về trại giam tù binh Hố Nai (tỉnh Đồng Nai), không trao trả theo cam kết. Ông cùng đồng đội đào hầm trong nhà tù để vượt ngục. Ngày 9-1-1974, ông cùng 4 người khác đào thoát khỏi trại giam rồi đi bộ theo đường rừng tìm về căn cứ cách mạng đóng tại Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Do địch dựng đồn bốt dày đặc, truy lùng ráo riết các tù chính trị trốn trại giam nên 5 người phải mất cả tuần lễ mới gặp được bộ đội. Ông Oanh kể: “Dọc đường trốn khỏi trại giam, chúng tôi phải bắt cá ở đầm, ao để ăn sống. Khi được bộ đội ta đưa về hầm trú ẩn, một đồng chí không qua khỏi do trúng mìn trước đó”.

Tại căn cứ Chiến khu Đ, ông Oanh được cử đi học. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm (nay là xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), rồi làm Giám đốc Nông trường Cây Cọ dầu đến khi về hưu. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Quyết thắng hạng nhất và Kỷ niệm chương tù chính trị.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai, tỉnh hiện có 84 cựu tù Côn Đảo, phần lớn có cuộc sống kinh tế ổn định, có người kinh tế khá giả, trong đó có ông Phan Hồng Oanh với tài sản hàng chục tỷ đồng. Những cựu tù năm xưa đang sống xứng đáng với phương châm “Sống trong tù kiên trung bất khuất/ Sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”.

Sống xứng đáng với đồng đội đã hy sinh

Sau khi nghỉ hưu, ông Oanh được bạn bè giúp đỡ, giới thiệu hợp đồng với các nông trường, xí nghiệp đưa xăng dầu, nông sản, phân bón, thuốc trừ sâu về bán. Công việc buôn bán thuận lợi, cuộc sống kinh tế

gia đình ngày một khấm khá. Đến năm 1990, ông mạnh dạn đầu tư trạm xăng dầu ở thị trấn Gia Ray để bán cho các tài xế chở hàng nông sản. Làm ăn thuận lợi, năm 1995, ông tiếp tục xây dựng thêm trạm xăng ở xã Xuân Phú (cùng huyện Xuân Lộc) để mở rộng kinh doanh. Có số vốn kha khá nên ông Oanh dành tiền mua đất làm nông nghiệp. Ban đầu chỉ 1-2ha, đến nay đất vườn của ông mở rộng lên 15ha trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cho thu nhập ổn định và được coi là triệu phú ở xứ miệt vườn này.

Theo ông Oanh, việc đầu tư trạm xăng và trồng cây ăn trái đã giúp gia đình có cuộc sống khấm khá. Khi cuộc sống kinh tế đủ đầy, ông và gia đình thường xuyên tham gia công tác từ thiện. Gia đình ông đã hiến 1.000m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Huệ (trung tâm thị trấn Gia Ray) để khu phố 5 làm trụ sở khu phố và nhiều lần quyên góp tiền xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho người nghèo, các gia đình thương binh - liệt sĩ.

Ông Phan Hồng Oanh thường ra thăm Côn Đảo vào dịp 30-4, 27-7 để viếng mộ đồng đội đã ngã xuống ở Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo. Ông vui vì Côn Đảo khác xưa rất nhiều, đường sá khang trang, nhà cửa mọc lên san sát, đời sống người dân ngày một khá giả. Những chuồng cọp, chồng bò, trại 6B, cầu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, đồi sọ người, các xà lim tàn bạo tột cùng của chế độ nhà tù năm xưa đã trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc.

Ông tâm sự: “50 năm đã trôi qua, gần cả một đời người, nhưng ký ức về một thời tù ngục vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với những cựu tù chính trị Côn Đảo. Tôi luôn nhắc mình rằng, dù đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ về đồng đội năm xưa, những gian khổ từng trải qua ở chốn lao tù để luôn vững vàng trong cuộc sống hôm nay, sống thật xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống”.

Tin cùng chuyên mục