Bê cạnh đó, xem xét việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.
Trình bày tờ trình tại phiên họp, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cho biết, Công ước số 98 là một trong 8 công ước cơ bản của ILO, được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1-7-1949. Tính đến tháng 1-2019, đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, Công ước số 98 của ILO là công ước cặp đôi với Công ước số 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Kết quả rà soát những quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến nội dung của Công ước số 98 cho thấy, có 3 văn bản liên quan trực tiếp đến Công ước số 98 là Bộ luật Lao động 2012; Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động và Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Đây cũng là 3 văn bản có những quy định cụ thể cần được sửa đổi, bổ sung nếu Việt Nam gia nhập và thực thi các tiêu chuẩn của Công ước số 98.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, nhận định, việc tham gia Công ước cho thấy sự nghiêm túc, thận trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. “UBTVQH tán thành sự cần thiết gia nhập Công ước 98 với những lý do như đã nêu tại Tờ trình của Chủ tịch nước và thuyết minh của Chính phủ và nhất trí không bảo lưu nội dung nào khi gia nhập Công ước. Công ước 98 không có quy định nào trái với Hiến pháp 2013 và các nội dung cũng cơ bản thống nhất với pháp luật Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định và yêu cầu các cơ quan có liên quan tiếp tục phối hợp rà soát, xác định các nội dung cần luật hóa, kể cả những nội dung trong các nghị định hướng dẫn thực thi.
Cuối buổi sáng 10-5, 100% thành viên tham dự phiên họp thứ 34 của UBTVQH đã biểu quyết tán thành việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất và thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch và 6 phường: An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh, thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).