Trợ lực thị trường bất động sản phát triển bền vững

Ngày 14-12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Trợ lực thị trường bất động sản phát triển bền vững

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo phối hợp với các bộ ngành liên quan và cùng các địa phương, doanh nghiệp tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản; đồng thời tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Với những sự vụ vượt thẩm quyền, nhất là những vấn đề cấp thiết, cấp bách, các bộ ngành, địa phương đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ cho phép các trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa 2 năm nhằm giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2023-2024.

Trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong tổng số trái phiếu doanh nghiệp hiện hữu. Do vậy, động thái này cũng có thể xem như một trong những “phao cứu sinh” các doanh nghiệp bất động sản trước áp lực phải trả lãi cũng như vốn cho các nhà đầu tư. Thông điệp nêu trên từ người đứng đầu Chính phủ tới những động thái cụ thể của các bộ ngành như tài chính đang có tác động rất tích cực đến thị trường bất động sản. Tuy chưa có nhiều động thái chuyển biến cụ thể trên thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chia sẻ “đang cảm thấy bình tâm trở lại”. Nhất là khi, theo các doanh nghiệp, trong thông điệp của mình, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất cụ thể với những từ ngữ thể hiện quan điểm rất quyết liệt như Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn quy trình, trình tự, thủ tục triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội, thương mại và khu đô thị. Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho các dự án bất động sản đủ điều kiện vay theo quy định.

Thị trường bất động sản sẽ phục hồi như thế nào, tất cả vẫn còn ở phía trước bởi khả năng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm trong năm 2023 và tất nhiên nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Thị trường bất động sản vì thế vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là niềm tin của khách hàng cũng như nhà đầu tư vào thị trường bị sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Chưa kể, nhiều bất cập trong hoạt động của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng đã và đang tác động tiêu cực tới khách hàng và nhà đầu tư. Hầu hết họ đang có động thái phòng thủ để bảo toàn vốn. Sức mua yếu sẽ là cản ngại chính cho thị trường bất động sản trong thời gian tới cho dù các vướng mắc đang được tháo gỡ.

Khôi phục lại niềm tin, kích cầu sẽ phải là một trong những giải pháp cần được triển khai bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục, vốn. Cũng theo nhiều chuyên gia, khôi phục bằng cách nhanh chóng triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên thực tế và quan trọng không kém là phải có chính sách hỗ trợ lãi suất vay mua nhà cho người thu nhập thấp.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 cho các dư nợ của khoản cho vay hỗ trợ mua nhà là 5%/năm. Mức lãi suất này thấp hơn giai đoạn 2013-2019 (6%/năm) nhưng cao hơn từ năm 2019 đến trước khi quy định lãi vay 5%/năm có hiệu lực (4,8%/năm). Chắc chắn ngân hàng có lý do của mình nhưng trong bối cảnh hiện nay, nên cân nhắc lại. Nếu như các chính sách tháo gỡ khó khăn là điều kiện cần thì sức mua, niềm tin của khách hàng, nhất là khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực sự là điều kiện đủ để thị trường bất động sản hồi phục và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục