Hôm nay 24-2, “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức tại TPHCM. Nhiều năm qua, “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức vào rằm tháng giêng luôn là một sự kiện văn hóa. Không chỉ đối với giới văn chương, đông đảo công chúng yêu mến thơ ca cũng rất quan tâm và hưởng ứng sự kiện văn hóa này. “Ngày thơ Việt Nam” là ngày hội tụ, gặp mặt, trao đổi của các nhà thơ, là ngày các tầng lớp công chúng, những người yêu thơ có dịp thưởng thức, tôn vinh những nét đẹp của thơ ca Việt Nam. Có thể nói, “Ngày thơ Việt Nam” là ngày hội thơ trên phạm vi cả nước.
Trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển, thơ luôn là một người bạn thân thiết, một nguồn lực mạnh mẽ đối với mỗi người Việt Nam. Cùng với truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”, trong hồn thiêng sông núi Việt Nam luôn có khí phách hùng tráng của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, sự trong sáng bay bổng và cao cả trong bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Thơ là một đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Cái trữ tình tha thiết “Thuyền than về đậu bến than, thấy anh vất vả em càng thêm thương”; cái nhân hậu sâu sắc “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” không chỉ làm tăng thêm tầm vóc, tăng thêm sức sống trong cuộc đời. Thơ còn là một nguồn sinh lực tăng sức đề kháng để bảo vệ bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Nhiều năm nay, công chúng đến với “Ngày thơ Việt Nam” như đến với một lễ hội truyền thống. Người Việt ta gọi thơ là “Nàng thơ”. Có thể coi đây là một quan niệm hay về thơ. Thơ cũng là hiện thân, là biểu trưng cho cái đẹp phụ nữ. Một cái đẹp duyên dáng, đằm thắm, thủy chung và tràn trề sinh lực, đầy ắp sự quyến rũ và sinh sôi. Người ta đến với hội thơ để chiêm ngưỡng, để lắng nghe cái đẹp của con người trong cõi nhân gian từ xa xưa cho tới hiện tại. “Ôn cố tri tân” luôn là một nét hấp dẫn của “Ngày thơ Việt Nam”. 7 “Ngày thơ Việt Nam” đã qua. Xuân Canh Dần này là “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ 8.
Năm nay, trong tiếng thơ sẽ vang lên hùng tráng bản “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ. Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TPHCM đã chuẩn bị kỹ để “Ngày thơ Việt Nam” tại TPHCM có tầm vóc và quy mô tương xứng với tinh thần: Đây là sự kiện văn hóa mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do vậy, có thể nói “Ngày thơ Việt Nam” xuân Canh Dần, ngày hội thơ ở TPHCM là ngày của tiếng thơ đất trời phương Nam gửi gắm tấm lòng “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.
Trần Văn