Trung đoàn 207: Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Vẫn những khuôn mặt ấy, con người ấy, mới ngày nào còn là những chàng trai khỏe mạnh cường tráng và là những chiến sĩ giải phóng quân tung hoành ngang dọc trên khắp các chiến trường, nay họ là những cựu chiến binh Trung đoàn 207. Mỗi khi ôn lại chuyện chiến đấu năm xưa, trái tim họ vẫn bừng bừng khí thế ra trận…

Do yêu cầu mở rọâng địa bàn chiến trường miền Nam, tháng 7-1970, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Trung đoàn 207. Trong 2 năm 1970 - 1971, Trung đoàn 207 đã tham gia hai chiến dịch lớn là Chen-la 1 và Chen-la 2 cùng với các đơn vị bạn tiêu diệt nhiều tiểu đoàn, lữ đoàn quân ngụy Sài Gòn và ngụy Lon Non, góp phần giải phóng phần lớn đất đai các vùng Bakhom, Tăngcốc, Cicun (Campuchia)… tạo thành bàn đạp vững chắc cho quân giải phóng làm chủ chiến trường miền Nam.

Nhận lệnh của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đưa các đơn vị chủ lực thọc sâu xuống chiến trường miền Nam, Quân khu 8 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 207 phối hợp với địa phương quân Hồng Ngự triển khai lực lượng vượt sông tiến đánh địch ở cù lao Long Khánh, Long Trung, Long Thuận.

Đêm 26-12-1972, trung đoàn đã sử dụng hàng trăm xuồng máy, tắc ráng đưa quân vượt sông đánh chiếm các xã ở cù lao Long Thành, Long Thuận, buộc toàn bộ lính bảo an, dân vệ đầu hàng, thu hàng trăm súng các loại. Đến cuối năm 1972, địch huy động 3 sư đoàn kết hợp với không quân, hải quân ngụy bao vây bộ đội Trung đoàn 207.

Mặc dù cuộc chiến không cân sức, nhưng sau 5 ngày đêm bám trụ, Trung đoàn 207 đã tiêu diệt hơn 700 tên địch, làm bị thương hàng trăm tên khác.

Đại tá Lê Việt, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 207, cho biết: “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 207 được giao nhiệm vụ đánh chiếm quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) chia cắt không cho địch về ứng cứu Sài Gòn và không cho địch từ Sài Gòn rút chạy về co cụm ở các tỉnh miền Tây. Sáng 30-4-1975, trung đoàn đánh chiếm toàn bộ căn cứ Đồng Tâm, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đến ngày 1-5-1975, giải giáp toàn bộ Sư đoàn 7 của địch tại căn cứ Đồng Tâm, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc…”.

Sau ngày giải phóng, Trung đoàn 207 được giao nhiệm vụ đứng chân ở 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang để bảo vệ chính quyền cách mạng, tiếp tục truy quét tàn quân ngụy, bắt nhiều tên ác ôn lẩn trốn, thu nhiều súng đạn, chất nổ…

Cuối 1976, Trung đoàn 207 được lệnh chuyển sâu về vùng Đồng Tháp Mười để vừa trồng lúa, vừa xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới. Lúc này, trung đoàn được bổ sung thêm 2.400 thanh niên của tỉnh Đồng Tháp để bảo vệ biên giới Việt Nam- Campuchia tại hai tỉnh Đồng Tháp và Long An.

Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, các chiến sĩ Trung đoàn 207 trở về đời thường và luôn là những điểm sáng trên mọi lĩnh vực. Nhiều đồng chí đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong tổ chức Đảng, chính quyền và quân đội. Nhiều đồng chí trở thành những tướng lĩnh, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư… tiếp tục đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Hữu Quý là một trong những người có mặt từ ngày đầu thành lập Trung đoàn 207 xúc động: “Trung đoàn 207 đã đánh hàng ngàn trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu hàng trăm tấn vũ khí các loại. Nhiều chiến sĩ trung đoàn đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Đồng Tháp Mười nhưng những người còn sống vẫn tiếp tục tiến lên”.

Với những chiến công nối tiếp chiến công, Trung đoàn 207 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng tặng thưởng hàng trăm huân, huy chương chiến công các loại…

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục