Sau cuộc họp phụ huynh học sinh (PHHS) cuối năm học ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) vào sáng 24-5, đường dây nóng Báo SGGP nhận được nhiều lời than phiền về một thông tin rất sốc đối với các PHHS trường này: Trường lấy ý kiến của PHHS về việc sẽ tăng mức học phí gần gấp đôi vào năm học sắp tới.
Học phí tăng cao đột ngột
Một PHHS có con học lớp 11 tại Trường THPT Lê Quý Đôn kể: “Cuộc họp PHHS cuối năm bàn nhiều chuyện, ai cũng đinh ninh nội dung sẽ xoay quanh kết quả học tập của con em, chuyện lo phần thưởng, lo cho con em liên hoan…, ai dè, nội dung chính là trường phát phiếu lấy ý kiến việc sang năm học tới sẽ tăng mức học phí lên gấp đôi. Trong 7 mục chi tiêu cho các hoạt động phục vụ học sinh, hầu như mục nào cũng tăng mức đóng góp. Tiền học 2 buổi 640.000 đồng/tháng; tiền học tăng cường tiếng Anh 210.000 đồng/tháng; tiền học với giáo viên nước ngoài và phòng học multi 350.000 đồng/tháng; tiền cơ sở vật chất 290.000 đồng/tháng. Rồi còn tiền học môn tự chọn, môn năng khiếu, học kỹ năng sống, ngoại khóa… Tổng cộng là 1.750.000 đồng/tháng/học sinh. Như con tôi, năm học vừa rồi không học bán trú, tiền học phí là 970.000 đồng/tháng. Nếu theo mức mới, năm học tới tôi sẽ phải đóng gấp đôi. Thời vật giá leo thang, tăng học phí thì phải chịu thôi, nhưng đột ngột tăng gần gấp đôi thì khó chấp nhận lắm. Với các gia đình khó khăn, đây là một thách thức quá sức!”.
Một PHHS khác cũng nêu ý kiến: “Tăng học phí cách này không ổn chút nào. Danh sách các khoản phải đóng góp được chiếu lên màn hình, rồi cô giáo chủ nhiệm phát ra bản danh sách có tên các PHHS để mọi người ký tên vào mục “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý”. Thật kỳ cục khi mục giải thích lý do không đồng ý chỉ được chừa khoảng 2cm, như là sự cố ý để buộc PHHS phải ký tên đồng ý, vì nếu muốn ghi vào mục “Không đồng ý” thì không đủ chỗ để giải thích lý do không đồng ý. Điều nhiều PHHS thắc mắc là việc tăng học phí quá đột ngột và quá sốc, tăng gần gấp đôi, thay vì phải tăng có lộ trình”.
Lỗi tại… nhà nước (?!)
Từ thông tin của bạn đọc, sáng 27-5, phóng viên Báo SGGP đã gặp bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn để tìm hiểu về sự việc này.
Bà Duyên cho biết: “Hàng năm TPHCM đều có hỗ trợ một phần ngân sách để chi trả lương cơ bản cho giáo viên, còn lại kinh phí hoạt động thường xuyên, trang bị cơ sở vật chất… đều phải trang trải từ nguồn đóng góp của PHHS. Tuy nhiên, mức học phí đã áp dụng 8 năm, đến nay đã quá lỗi thời. Cơ sở vật chất như máy chiếu, máy lạnh, máy vi tính, bàn ghế đã quá xuống cấp. Không chỉ học văn hóa, trường còn tổ chức cho học sinh học kỹ năng sống. Năm ngoái tiền thuê xe đưa các em đi học kỹ năng sống là 50 triệu đồng, năm nay lên đến 100 triệu đồng. Rồi 11 câu lạc bộ hoạt động để phát triển năng khiếu cho các em, phải chi cho giáo viên phụ trách, phần thưởng. Phòng multi 2 năm phải mua phần mềm mới, rồi bảng thông minh. Tiền đâu? Còn chi phí cho giáo viên thì vẫn trả như 8 năm trước, không gì thay đổi, dù phải tăng thêm tiết, phải ôn thi cho các em…”.
Được hỏi: “Nếu ở vị trí là PHHS, cô có sốc với mức học phí tăng gấp đôi?”, cô Duyên phân trần: “Sở Tài chính cứ kìm chúng tôi hoài, suốt 4 - 5 năm qua trường làm đề án xin tăng mức học phí, nhưng không được duyệt. Là trường nhà nước nhưng tổ chức theo mô hình tiên tiến, mà mọi việc phải thông qua rất nhiều cơ quan. Theo tôi, nên cho trường tự chủ, 2 - 3 năm cho phép tính toán trượt giá để tăng mức thu thì sẽ đỡ sốc hơn. Trước khi lấy ý kiến PHHS, chúng tôi đã họp Ban đại diện Hội PHHS và họ rất nhất trí phương án này. Đúng là có đột ngột nhưng lỗi không phải nhà trường. Mọi thông tin về dự kiến tăng mức thu chúng tôi đều đưa lên máy chiếu cho PHHS xem, giải thích từng mục, rồi mới lấy ý kiến và cho PHHS ký tên vào. Dựa trên bản danh sách này, trường mới trình Sở GD-ĐT TPHCM và HĐND TPHCM. PHHS không bị ép buộc và nếu ký vào thì phải chịu trách nhiệm với chữ ký của mình”.
Báo SGGP sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về việc này.
THƯ LÊ