Truy điệu và an táng 6 liệt sĩ hy sinh trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Gần 300 người là thương binh, bác sĩ quân y, y tá đã hy sinh trong trận bom hủy diệt. Đến nay, có tổng cộng 44 bộ hài cốt được quy tập, vẫn còn hơn 200 bộ hài cốt chưa tìm kiếm được. 

Sáng 30-1, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi (TPHCM), Thường trực UBND TPHCM tổ chức lễ viếng, truy điệu và an táng 6 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Tới dự có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Truy điệu và an táng 6 liệt sĩ hy sinh trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ảnh 1 Lễ viếng, truy điệu và an táng 6 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Trạm quân y tiền phương Y4 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi là nơi 50 năm trước đặt Trạm quân y tiền phương Y4 để cấp cứu thương binh của cánh quân hướng Tây Bắc được chuyển ra từ nội thành. Trạm tiếp nhận gần 300 thương binh chưa kịp chuyển đi, thì sáng mồng 5 Tết Mậu Thân 1968, trạm quân y bị địch phát hiện và thả bom hủy diệt. Gần 300 người là thương binh, bác sĩ quân y, y tá đã hy sinh. Chỉ còn 3 người sống sót trong trận bom hủy diệt năm ấy.
Truy điệu và an táng 6 liệt sĩ hy sinh trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ảnh 2  Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm thắp hương tại lễ viếng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ tin báo của người dân, sau một thời gian tìm kiếm, quy tập, ngày 18-1-2018, Ban Chỉ đạo 1237 TPHCM đã quy tập được 6 bộ hài cốt liệt sĩ ở khu vực Trạm quân y tiền phương Y4 đóng.

Tuy nhiên, sau thời gian 50 năm, nhiều xương cốt đã hóa vào lòng đất mẹ nên vẫn chưa xác định được tên tuổi, địa chỉ, quê quán và thông tin người thân các liệt sĩ.

Truy điệu và an táng 6 liệt sĩ hy sinh trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ảnh 3 Lãnh đạo Quân khu 7, TPHCM và các địa phương tại lễ viếng, truy điệu các liệt sĩ. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Chúng tôi vẫn tiếp tục “nợ” các anh, các chị những điều bình dị nhất của một con người. Đó là chưa thể gọi tên, chưa xác định được địa chỉ, quê quán, chưa thông tin đến người thân các anh, các chị kết quả đã tìm được hài cốt để những người thân ấy được dành những cảm xúc cho sự hội ngộ”, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Trương Văn Thống xúc động đọc điếu văn truy điệu các liệt sĩ.
Truy điệu và an táng 6 liệt sĩ hy sinh trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ảnh 4 Lễ viếng, truy điệu và an táng 6 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Trạm quân y tiền phương Y4 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, từ năm 1995 đến nay, có tổng cộng 44 bộ hài cốt được quy tập, vẫn còn hơn 200 bộ hài cốt chưa tìm kiếm được.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu khẳng định, TP sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình tìm kiếm thông tin để có thể ghi lên trên tấm bia mộ những dòng thông tin chính xác và thông tin đến gia đình 6 liệt sĩ. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, quy tập các liệt sĩ đã hy sinh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tin cùng chuyên mục