“Truyện Kiều” (TK) của thi hào Nguyễn Du không những là: “Tiếng thơ ai động đất trời/Nghe như non nước vọng lời nghìn thu” (Tố Hữu), mà còn là “nguồn sữa” nuôi tôi lớn khôn qua lời ru của mẹ từ tuổi ấu thơ.
Mẹ tôi tuy ít chữ nhưng TK thì mẹ thuộc lòng. Tôi cũng đã thuộc một số câu Kiều mẹ từ lúc lên ba, lên bốn như: “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” hay: “Mấy người bạc ác tinh ma/Mình làm mình chịu kêu mà ai thương”… Tôi còn nhớ như in mắt mẹ sáng lên với lời kể thật sảng khoái khi tới đoạn “Thúy Kiều báo ân, báo oán”, hoặc lời ru như nghẹn lại khi nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường…
Lớn lên, được đi học, hiểu được nghĩa lý, tôi càng mê TK hơn. Có thể nói, TK chính là cuốn sách gối đầu giường của tôi, giúp tôi cách làm thơ lục bát và tôi tự tìm thấy bao điều hay lẽ phải cần học, bao điều xấu cần tránh ở mỗi trang sách. Những ngày ở quân ngũ hay thời gian dạy học trong kháng chiến chống Mỹ ở Tây-Bắc, mỗi lần di chuyển, tôi có thể bỏ lại những cuốn sách khác cho nhẹ ba lô, nhưng TK thì vẫn bên tôi như hình với bóng, cho dù tôi đã thuộc 3.254 câu Kiều. Có lẽ vì say TK và mê văn chương mà tôi đã theo đuổi nghề dạy văn mấy chục năm nay. Nhiều Tết xa nhà, sau lúc giao thừa, tôi thường cùng mấy anh em ở tập thể “lẩy Kiều”, “ngâm Kiều”, “tập Kiều”… và sau cùng là “khai bút” bằng mấy vần lục bát.
Giờ đây, mẹ tôi đã là người thiên cổ, nhưng những câu Kiều mẹ ru đã góp phần thanh lọc những điều chưa tốt trong tâm hồn tôi, khơi dậy những ước mơ cao đẹp để tôi đến với văn chương, yêu hơn nghề dạy học và gần gũi thêm mọi lớp người. Những bản Kiều in ở những thời điểm lịch sử khác nhau, những công trình nghiên cứu về TK của các học giả trong và ngoài nước cứ dày thêm trong tủ sách của tôi.
LÊ XUÂN
(Trường chuyên Lý Tự Trọng – Cần Thơ)