Từ cam kết đến hành động

Một lần nữa, vai trò dẫn dắt của TPHCM đã được xác lập mạnh mẽ và quy củ hơn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16; nay được tiếp nối và phát triển thành Nghị quyết 31 định hướng phát triển TPHCM.

Năm 2023 có thể xem là dấu mốc “cất cánh” của TPHCM - Đông Nam bộ khi Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị được ban hành, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cuối năm 2022, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã xác định Đông Nam bộ là một trong 6 vùng kinh tế phát triển, gắn với cực tăng trưởng TPHCM.

Một lần nữa, vai trò dẫn dắt của TPHCM đã được xác lập mạnh mẽ và quy củ hơn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16; nay được tiếp nối và phát triển thành Nghị quyết 31 định hướng phát triển TPHCM. Tất cả đều gắn với lộ trình từ đây đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là “hoa tiêu” về đường hướng phát triển, hội nhập bằng sức mạnh và bản lĩnh tự lực, tự cường. Đó cũng chính là những cam kết chính trị của toàn hệ thống để hiện thực hóa kỳ vọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong phát biểu khai mạc hội nghị triển khai Nghị quyết 24 (tổ chức vào ngày 23-10-2022): “Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng Đông Nam bộ luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TPHCM “rực rỡ tên vàng”.

Rõ ràng, phát triển vùng Đông Nam bộ đã và đang triển khai trên nền tảng của “3 có”, đó là: có đầy đủ pháp lý, từ 2 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị là Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 đến các mục tiêu, nội dung quan trọng trong văn kiện của Đảng bộ TPHCM, chương trình hành động của thành phố; có kinh nghiệm về việc không liên kết sẽ kéo theo nhiều hệ lụy của sự tụt hậu, kém phát triển, đánh mất cơ hội ở tương lai; có sự nhận thức của thành phố và các tỉnh về tầm quan trọng sống còn của việc liên kết.

Mới đây, tại lễ tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và ký kết hợp tác phát triển giữa các địa phương giai đoạn 2023-2025 giữa TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ vào ngày 18-3 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định “muốn đi xa phải đi cùng nhau” và chỉ ra 4 bước đi cụ thể. Đó là: Thay đổi về nhận thức, tư duy trong toàn hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố về yêu cầu liên kết phát triển vùng Đông Nam bộ; cùng tổ chức thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm để toàn vùng phát triển nhanh và bền vững; chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi nội dung liên kết; có kế hoạch phân công, điều phối liên kết hiệu quả, không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính; cùng nhau đi đầu trong việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ các lĩnh vực…

Có thể thấy, từ cam kết chính trị phải trở thành cam kết hành động để cùng nhau giải quyết “3 không”: không có cơ chế phối hợp thì phải đề xuất cơ chế, thực hiện các quy hoạch mang tính liên vùng như Hội đồng vùng; không có cơ chế tài chính thì hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp; không có chế tài, khen thưởng, thi đua - kỷ luật nếu không thực hiện thì ngoài lợi ích tự thân, còn phải có cơ chế chế tài, khen thưởng, thi đua - kỷ luật (gắn với từng đầu việc được cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động từ Nghị quyết 24, 31) nêu rõ ai không làm; hoặc làm chiếu lệ thì xem như không hoàn thành nhiệm vụ.

Cam kết hành động được xác lập trên 7 lĩnh vực trọng yếu (giai đoạn 2023-2025) gồm: về công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư; kết nối hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác về y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Trong đó đặc biệt tập trung kết nối hạ tầng giao thông, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Một khi đã là cam kết chính trị thì sẽ có sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị các địa phương từ nhận thức đến cơ chế giám sát, trao đổi, tháo gỡ để tập trung hoàn thành tốt các nội dung, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Từ đó, là cam kết hành động thì sẽ có sự phân vai, xây dựng, tổ chức và thúc đẩy từng lộ trình thực thi, đánh giá và nghiệm thu kết quả. Đó cũng là tiền đề cho những bước phát triển kế tiếp trong giai đoạn mới của vùng Đông Nam Bộ - TPHCM.

Tin cùng chuyên mục