Tự đưa mình vào thế khó

Ông Nguyễn Kim Chung (ngụ tại phường 1, quận 5, TPHCM) đến Báo SGGP gửi đơn nhờ can thiệp về tình cảnh khốn khổ của gia đình ông khi đã mua đất dự án cất nhà xong 10 năm nhưng vẫn chưa được cấp điện để sinh hoạt.

Theo hồ sơ ông cung cấp, từ hơn 18 năm trước, ông Chung có làm hợp đồng sang nhượng nền đất nhà ở thuộc dự án khu nhà ở phường Tân Phú (quận 7, TPHCM) của Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng - Kinh doanh nhà Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam) với diện tích nền 160m2, giá sang nhượng 240 triệu đồng. Theo hợp đồng số 36 ký ngày 18-3-1998, Công ty Phương Nam có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục pháp lý, san lấp mặt bằng, hoàn tất hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước, cấp nước, điện…) và bàn giao mặt bằng cho ông Chung. Sau đó, ông Chung đã nộp tiền mua nền nhà theo đúng tiến độ hợp đồng quy định. Đến tháng 1-2000, ông được bàn giao mặt bằng và tháng 12-2004 ông ký hợp đồng thuê Công ty Phương Nam thi công xây dựng nhà ở cho ông, với tổng giá trị công trình khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Chung than: “Đến tháng 6-2006, nhà xây dựng xong, Công ty Phương Nam bàn giao cho tôi, tuy nhiên nhà không được cấp điện sinh hoạt. Từ đó đến nay đã 10 năm, nhưng gia đình tôi vẫn không thể dọn vào ở được vì không có điện sinh hoạt. Sau nhiều lần tranh cãi, khiếu nại nhưng không có tiếng nói chung giữa 2 bên, tháng 6-2016 tôi phải gửi đơn đến Tòa án Nhân dân quận 7 kiện Công ty Phương Nam vì không thực hiện đúng như hợp đồng ban đầu”.

Ngày 7-9-2016, Tòa án Nhân dân quận 7 có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Tân Thuận phúc đáp cho tòa về việc kiểm tra hệ thống cấp điện cho nhà ông Chung. Ngày 20-9-2016, Công ty Điện lực Tân Thuận đã cho nhân viên đi khảo sát thực tế hiện trường và lập biên bản sự việc. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy khu nhà ở này hiện có 16 căn hộ đã xây dựng xong, sử dụng nguồn điện từ trạm biến áp Đa Khoa 7 công suất 250kVA do Công ty Phương Nam làm chủ đầu tư và Điện lực Tân Thuận tính tiền điện qua 2 điện kế. Luật Kinh doanh bất động sản (năm 2006, sửa đổi năm 2014) và Nghị định 11/CP về quản lý, đầu tư phát triển đô thị quy định: Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Vì vậy, để có thể gắn điện kế cho hộ ông Chung, Công ty Phương Nam phải bàn giao không bồi hoàn hệ thống điện cho ngành điện lực. Tuy nhiên, đại diện công ty đã ghi vào biên bản với nội dung từ chối bàn giao lưới điện do “chưa thu hồi vốn”.

Vì sao lại có việc này? Trả lời phóng viên Báo SGGP về vụ việc khiếu nại của ông Chung, ông Trần Tấn Công, đại diện Công ty Phương Nam, cho biết: “Trước đây, ngoài số tiền sang nhượng ghi trong hợp đồng, phía công ty có “thỏa thuận miệng” đề nghị khách hàng phải trả thêm “tiền hạ tầng” là 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ông Chung đã viết giấy cam kết (ngày 15-5-2003) từ chối sử dụng hạ tầng của công ty và chỉ thanh toán tiền phần mua nền nhà. Vì vậy, công ty không cung cấp điện cho hộ ông Chung là có căn cứ”.

Hợp đồng mua bán nền nhà đã ghi rõ là cung cấp đầy đủ hạ tầng như điện, nước… cho khách hàng - điều này Công ty Phương Nam không thể từ chối trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, giấy cam kết từ chối sử dụng hạ tầng do chính ông Chung ký đã đưa ông vào thế khó. Đây là bài học để khách hàng khi mua bất động sản cần nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng, rà soát các thủ tục pháp lý, tránh thỏa thuận miệng rồi đặt mình vào tình cảnh… bút sa gà chết.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục