Cách đây 61 năm, đúng vào ngày 27-2-1955, nhân dịp Hội nghị cán bộ y tế được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới cán bộ ngành y tế. Trong thư, Bác nêu rõ: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu...”.
Những lời căn dặn đầy tâm huyết và sâu sắc của Bác đối với ngành y tế đã trở thành kim chỉ nam để các thế hệ thầy thuốc Việt Nam không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được trong suốt các chặng đường phát triển lịch sử của dân tộc và đất nước, từ những năm tháng kháng chiến gian khổ cho tới khi đất nước được hòa bình, thống nhất và trong công cuộc đổi mới phát triển hiện nay đã khẳng định vai trò rất quan trọng của ngành y tế trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng và mong mỏi của Bác Hồ và nhân dân.
Lịch sử đã ghi danh những “chiến sĩ áo trắng” không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào trong những năm tháng kháng chiến để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Trong số họ, có biết bao người đã để lại máu xương của mình hay vĩnh viễn ra đi vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Đất nước hòa bình, các “chiến sĩ áo trắng” lại tiếp tục cống hiến, rèn luyện không ngừng, tận tụy chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ thành thị tới nông thôn, núi cao hay biển đảo... đâu đâu cũng có hình ảnh của những người thầy thuốc miệt mài, tận tụy công việc cao cả - trị bệnh, cứu người.
Hơn 6 thập kỷ qua, từ chỗ mạng lưới y tế chỉ có một số ít bệnh viện, trung tâm y tế ở một số tỉnh thành phố lớn thì đến nay, chúng ta đã phát triển, xây dựng được một mạng lưới y tế rộng khắp cả nước, bao phủ từ trung ương cho tới tận xã phường, thậm chí hầu hết các thôn, bản cũng có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2015 vừa qua đã có rất nhiều bệnh viện, trung tâm y tế được mở rộng, nâng cấp và xây mới, cùng với đó là việc triển khai sâu rộng, hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh, đã góp phần nâng cao hơn chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến, đồng thời giảm quá tải cũng như làm vơi đi khó khăn, phiền hà cho người bệnh mỗi khi ốm đau phải đi viện.
Tại một số bệnh viện tuyến trung ương trước đây như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Chợ Rẫy... bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường, thậm chí phải nằm cả ra hành lang, thì đến nay tình trạng này không còn diễn ra. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, số giường bệnh trên vạn dân đã tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 25 giường năm 2015 (vượt chỉ tiêu đề ra là 24 giường/vạn dân). Cùng với đó, việc cải cách thủ tục hành chính tích cực, cải tiến quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh đã góp phần giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
Thật vui mừng khi rất nhiều những kỹ thuật mới, ứng dụng y học hiện đại, tiên tiến của thế giới như: ghép tạng, ghép tế bào gốc, can thiệp tim mạch, mổ tim hở, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, thụ tinh trong ống nghiệm... được những khối óc, bàn tay tài hoa và sự tận tâm của các thầy thuốc Việt Nam thực hiện thành công, thậm chí là thường quy đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hơn chất lượng dịch vụ y tế, cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đồng thời đưa ngành y tế Việt Nam lên đạt ngang tầm nhiều nước phát triển trong khu vực.
Bên cạnh đó, ngành y tế chủ động triển khai đồng bộ những biện pháp phòng bệnh, y tế dự phòng đúng như lời Bác dạy “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” để bảo vệ sức khỏe người dân, kiểm soát và ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, hay xâm nhập vào nước ta, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm. Thống kê cho thấy, nếu như cách đây vài thập kỷ, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam chỉ khoảng hơn 60 tuổi thì tới nay đã là trên 73 tuổi. Cùng với tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em đều giảm ngoạn mục trong những năm gần đây đưa Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới thực hiện đúng lộ trình mục tiêu thiên niên kỷ về suy dinh dưỡng, giảm tử vong bà mẹ và tử vong trẻ em được Liên hiệp quốc đánh giá cao.
Vẫn biết rằng con đường xây dựng, phát triển của ngành y tế Việt Nam còn nhiều chông gai, thử thách và cả những vấn đề khiến cho người dân cảm thấy bức xúc, chưa yên tâm. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan và toàn diện thì toàn ngành y tế đang quyết tâm, nỗ lực đổi mới để hướng đến sự hài lòng toàn diện của người dân với ngành y tế cả về y thuật, y đức và y đạo. Nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh nên trong mỗi cán bộ y tế, y, bác sĩ đều đau đáu hướng về người bệnh, khao khát cháy bỏng được dâng hiến tâm sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi cán bộ y tế là được phục vụ nhân dân, được chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và đẩy lùi bệnh tật, cứu sống người bệnh. Với họ phần thưởng cao quý, tự hào nhất mà họ được nhận chính là sự trân trọng của người dân và cộng đồng xã hội khi gọi những con người được vinh dự khoác lên mình tấm áo blouse trắng là “Thầy thuốc”.
KHÁNH NGUYỄN