“Một nền văn hóa giáo dục không làm sống lại trí tưởng tượng, không phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, không bao giờ có thể là một nền văn hóa giáo dục phục vụ cho sự phát triển theo đúng ý nghĩa của nó”.
Tôi nhận được tin GS.TS. Dương Thiệu Tống đã từ trần lúc 11 giờ ngày 3-9 trước khi đài truyền hình thông báo tin buồn. Mặc dầu cựu học sinh Quốc học Huế chúng tôi biết sức khỏe thầy Tống yếu dần trong mấy năm gần đây và thầy không có thể đến dự buổi họp mặt mừng xuân hằng năm của cựu học sinh Quốc học tại TP Hồ Chí Minh nhưng đầu năm nay thầy cũng còn gửi lời chúc Tết đến cựu học sinh và đồng nghiệp cũ.
Gần đây vào tháng 3 năm nay, trên báo Pháp Luật, thầy vẫn còn lên tiếng về việc học sinh bỏ học. Cho nên bây giờ cựu học sinh Quốc học Huế cũng bàng hoàng và bùi ngùi cảm nhận về sự ra đi của thầy Hiệu trưởng Dương Thiệu Tống.
Khi thầy Tống làm hiệu trưởng năm 1963-1964 thì tôi đang học lớp Đệ nhị ở Quốc học. Mãi đến giữa thập niên 1980 tôi mới có dịp gặp thầy Tống ở một số buổi hội thảo về giáo dục. Sau đó tôi ở trong Ban Liên lạc cựu học sinh Quốc học nên giữ liên lạc với thầy nhiều hơn.
Những lần thầy tham dự buổi họp mặt mừng xuân hằng năm của cựu học sinh Quốc học tại TPHCM, thầy đều nói nhiều về tinh thần Quốc học, về tình thầy trò Quốc học. Thầy Tống cho biết rằng trường Quốc học Huế là nơi đầu tiên soạn thảo chương trình trung học Việt Nam và cũng là nơi tổ chức kỳ thi Tú tài đầu tiên bằng tiếng Việt vào tháng 6 năm 1945.
Thầy tin tưởng một cách khá chắc chắn rằng miền Trung là vùng đất của Việt Nam áp dụng sớm nhất một chương trình trung học hoàn toàn Việt Nam chỉ vài tháng sau Cách mạng Tháng Tám, và trường Quốc học Huế cũng là “trường sư phạm trung học” đầu tiên dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Lần đầu tiên tôi đến nhà GS. Dương Thiệu Tống vào năm 1987 ở một hẻm đường Lê Văn Sỹ, tình cờ gặp lúc thầy đang giảng bài cho một nhóm sinh viên cao học ngay tại nhà. Tôi thật hết sức bất ngờ khi biết thầy đang cùng sinh viên phân tích một bài báo tôi viết về giáo dục đăng trong đặc san của Việt kiều Tây Đức. Tôi nghe phần cuối của bài giảng đó và thật không ngờ bài viết của mình được GS. Dương Thiệu Tống đánh giá cao như thế.
Hồi ký sư phạm “Thuở ban đầu” của thầy năm 1998 giúp tôi biết nhiều về thầy hơn và hiểu nhiều hơn về nghề nhà giáo đầy thách thức và đổi mới. Tôi đọc các sách của thầy và theo dõi các ý kiến của thầy về giáo dục, về nghiên cứu giáo dục. Những nỗi niềm của thầy cũng là của những người trẻ hơn như tôi.
Trong hồi ký đó thầy viết: “Những người trí thức như tôi ngày nay không lo rằng ba trăm năm nữa người ta có “khóc” mình không, mà chỉ lo người ta sẽ “cười” mình, “cười” vì đã không đóng góp được gì cho sự giàu mạnh của đất nước.” Và thầy tiếp: “Khi không nói được mạnh, không làm được nhiều thì viết, viết để đóng góp một chút gì cho đất nước này, cho thế hệ về sau này”.
Tôi đọc kỹ quyển “Những suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam” của thầy và rất đồng tình với nhận định: “Sự thật là hàng nghìn năm lệ thuộc văn hóa nước ngoài đã ngăn chặn phần nào năng lực và tinh thần sáng tạo của một dân tộc từng phát minh kỹ nghệ trồng trọt sớm nhất thế giới, và đi đầu trong kỷ nguyên văn minh đồ đồng ở Á châu, như các nhà khảo cổ học thế giới đã chứng minh trong các thập niên 1960 và 1970. Nhưng không phải chỉ có thế. Chính dân tộc ấy đã sáng tạo ra một hệ thống tư tưởng triết học về vũ trụ và con người, có lẽ đã đóng góp không nhỏ cho nền triết học Trung Hoa, và đã ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ và hành động của dân Việt hàng nghìn năm sau. Đó mới chính là “Văn hiến” 4.000 năm mà người Việt ta vẫn thường nhắc nhở và có thể hãnh diện một cách chính đáng.
Sức sáng tạo ấy là một trong những nét đặc sắc của truyền thống dân tộc ta cần được luôn luôn khơi dậy, vì mặc dù nó đã bị ngăn chặn do hoàn cảnh lịch sử, nhưng nó vẫn chưa và sẽ không bao giờ mất hẳn. Tinh thần sáng tạo ấy, bên cạnh các nét truyền thống đặc thù của văn hóa dân tộc, phải là trung tâm điểm của mọi chương trình phục hưng văn hóa và cải cách giáo dục ở nước ta, và là một điều kiện không thể thiếu được cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thế giới hiện đại. Một nền văn hóa giáo dục không làm sống lại trí tưởng tượng, không phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, không bao giờ có thể là một nền văn hóa giáo dục phục vụ cho sự phát triển theo đúng ý nghĩa của nó”.
Khi bàn về một đầu tư lớn lao cho giáo dục, một đầu tư không thể lẩn tránh được, GS Dương Thiệu Tống viết: “Đành rằng đất nước chúng ta còn nghèo, nhưng có một sự thật hiển nhiên và nan giải là tri thức của những con người được coi là đang ở “biên giới kiến thức” của một nước, ngay trong hiện tại, không thể nghèo được vì sự nghèo nàn trí tuệ trong hiện tại sẽ lôi kéo theo sự nghèo nàn trí tuệ của nhiều thế hệ tương lai, mà sự nghèo nàn trí tuệ tương lai ấy chắc chắn không thể nào đóng góp cho sự giàu mạnh kinh tế được trong một thế giới đang và sẽ tiến hành như vũ bão trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật”.
Giáo dục nước ta đang cần cải tổ, những ý kiến đầy tâm huyết của nhà văn hóa giáo dục Dương Thiệu Tống chắc chắn đã và đang tiếp tục được nghiên cứu. Tuy GS.TS. Dương Thiệu Tống ra đi, nhưng tư tưởng văn hóa giáo dục của thầy sẽ được thế hệ trẻ tiếp nối.
TS. Nguyễn Thiện Tống