Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Đề án đã đưa ra cụ thể mục tiêu đối với thị trường khí "Từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG". Thời gian vừa qua, hệ thống văn bản pháp lý về kinh doanh khí đã được thiết lập tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh khí, một số chính sách cần sớm được xem xét, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được thay thế, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp.
Tham luận trực tuyến, Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, hiện nay còn có các trường hợp thiếu sự hợp tác kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, lừa lọc, thất hứa với nhau, còn có những doanh nghiệp kinh doanh chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân, lợi ích của doanh nghiệp, có những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại về kinh tế, tài sản, uy tín của doanh nghiệp khác. Cụ thể như hành vi chiếm đoạt chai LPG; lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa; liên kết với nhau nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác…
Đồng ý kiến về vấn nạn chiếm dụng vỏ bình, bà Nguyễn Thị Hạnh, Công ty TNHH Totalgaz Việt Nam còn nêu tình trạng mỗi cơ quan quản lý tại các địa phương tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bên vi phạm căn cứ vào các quy định pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bà Hạnh cho rằng, việc áp dụng các quy định pháp luật khác nhau dẫn đến hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả hoàn toàn khác nhau.