Chủ trương ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh thuộc các huyện nghèo, huyện biên giới, hải đảo (theo Nghị quyết 30a, Quyết định 293, Quyết định 2123 của Chính phủ) vào thẳng các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) từ năm 2012 đến nay đã tạo được sự đồng thuận và hứng khởi từ các địa phương lẫn các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, số thí sinh thực học so với trúng tuyển là quá thấp, thậm chí là 0% và nguyên nhân chính vẫn là chưa có giải pháp phù hợp để chủ trương này phát huy hiệu quả.
Thí sinh trúng tuyển phải học bổ sung kiến thức tại Trường Dự bị đại học TPHCM
Báo động tình trạng bỏ học
Kết thúc năm đầu tiên 2012, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) triển khai cho các trường ĐH thực hiện xét tuyển thí sinh các huyện nghèo vào thẳng ĐH-CĐ, cả nước đã xét tuyển được 2.435 thí sinh vào ĐH và 203 thí sinh vào CĐ. Số thí sinh trúng tuyển trong các năm 2013, 2014 và 2015 vào các trường tăng lên rất nhiều do bổ sung thêm đối tượng thuộc 22 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ và thí sinh là người dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2123. Tuy nhiên, tỷ lệ thực học so với trúng tuyển là rất đáng báo động.
Thống kê từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM, số thí sinh các huyện nghèo được tuyển thẳng hiện có 1.312 nhưng vỏn vẹn chỉ có 77 thí sinh theo học. Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM có 188 thí sinh trúng tuyển, nhưng chỉ có 13 thí sinh theo học. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 179 thí sinh trúng tuyển, nhưng chỉ có 3 thí sinh theo học (đặc biệt năm 2015, toàn bộ 103 thí sinh trúng tuyển đều bỏ học). Trường ĐH Sài Gòn có 3/125 thí sinh trúng tuyển theo học. Riêng các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có đến 193 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 27 thí sinh theo học. Trường ĐH Nông lâm TPHCM có 7/249 thí sinh trúng tuyển theo học.
Đại diện Trường ĐH Cần Thơ cho biết, trong năm 2014 đơn vị này có hơn 2.000 thí sinh trúng tuyển nhưng cuối cùng chỉ có 700 thí sinh theo học. Học phí các em phải trả là cao hơn 1,5 lần so với hệ đại trà. Trước khi vào học chương trình ĐH, thí sinh phải học bổ sung kiến thức chương trình phổ thông. Trước thực tế này, nhà trường đưa ra 2 gợi ý để thí sinh lựa chọn: nếu học ĐH thì các em phải đóng học phí 1,5 lần; thí sinh có quyền dự thi tuyển sinh năm 2015 vào ngành mà các em chọn thì học phí sẽ bằng hệ đại trà, nếu học ngành sư phạm sẽ được miễn học phí.
Trong năm 2015, tại rất nhiều cơ sở đào tạo như Học viện Hành chính quốc gia - cơ sở TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TPHCM, Trường CĐ Y tế Bình Dương…, thí sinh trúng tuyển đều bỏ học.
Người học - người dạy đều khó
GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, sau khi hiệu trưởng quyết định xét tuyển cho vào học, những thí sinh trúng tuyển thuộc diện trên phải được học bổ sung kiến thức một năm trước khi vào học chương trình chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
Thực tế cho thấy, nhiều trường đã thực hiện đúng chủ trương và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trúng tuyển và gọi nhập học. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này thì các trường đối diện với cái khó không thể gỡ, đó là các trường ĐH, CĐ lại không thể dạy cái gọi là “bổ sung kiến thức” cho đối tượng này mà phải gửi thí sinh trúng tuyển qua Trường Dự bị đại học TPHCM để đào tạo và đánh giá. Ngay cả ĐH Quốc gia TPHCM có Trường THPT Năng khiếu, Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Sư phạm TPHCM đều là đào tạo giáo viên, đồng thời có trường THPT, nhưng cũng chẳng biết dạy “bổ sung kiến thức” như thế nào nên chọn giải pháp chuyển thí sinh trúng tuyển qua Trường Dự bị đại học TPHCM để dạy. Thậm chí có trường ở ngoài Hà Nội, Bình Dương cũng phải gửi thí sinh vào Trường Dự bị đại học TPHCM để học bổ sung kiến thức.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học TPHCM, cho biết: Chúng tôi dạy chương trình giống như chương trình dự bị đại học, đó là những kiến thức chương trình THPT. Tuy nhiên, trong đó có miễn giảm một số môn không cần thiết theo yêu cầu của từng trường. Sau một năm, chúng tôi sẽ kiểm tra và kết quả đánh giá sẽ gửi về cho các trường ĐH, CĐ để họ quyết định. Về học phí, do không có quy định nên các em phải đóng học phí theo hướng dẫn của Nghị định 49 của Chính phủ. Các trường ĐH, CĐ có hỗ trợ học phí cho các em hay không thì chúng tôi không rõ, còn đối với thí sinh hệ cử tuyển và dự bị ĐH thì học phí do địa phương chi trả.
Trong khi đó, cái khó của người học lại là vấn đề tài chính. Tất cả thí sinh trúng tuyển đều là các huyện nghèo, biên giới, hải đảo thì học phí là trở ngại lớn nhất. Trở ngại tiếp theo là các em đều ở những vùng khó khăn, dù có học bổ sung kiến thức 1 năm nhưng khi vào chương trình chính thức, các em “chạy” theo không nổi, đa phần các em học rất yếu. Ngoài vấn đề trên, nhiều cơ sở đào tạo cũng cho rằng cần phải có quy hoạch nhu cầu ngành nghề phát triển cho địa phương để tạo “đầu ra” cho người học, chứ để “tự bơi” như hiện nay thì viễn cảnh hao tiền tốn của là không thể tránh khỏi.
Chính sách đặc thù trong công tác tuyển sinh dành cho các địa phương là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp những vùng kinh tế khó khăn của đất nước phát triển. Tuy nhiên, để bài toán có được đáp án chính xác thì cần phải có cách giải đúng và khoa học, chứ không thể đưa ra câu đố rồi ai muốn giải kiểu nào cũng được như hiện nay. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cần có một con số thống kê để từ đó phân tích và đề xuất giải pháp hiệu quả hơn với Chính phủ. |
Thanh Hùng