Buổi sáng hôm ấy, lớp Gấu Pooh vô cùng sinh động với tiết học kể chuyện sáng tạo. Các bé thay phiên nhau kể những câu chuyện mình yêu thích bằng cách rất riêng. Cử chỉ, lời thoại và cả cảm xúc của người kể khiến các bạn trong lớp lúc thì lắng nghe chăm chú, khi thì cười nghiêng ngả. Buổi học là một trong những sáng kiến của cô Thu Hoài, giáo viên chủ nhiệm lớp, trong giải pháp “Giúp trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi tích cực kể chuyện sáng tạo”.
Niềm vui của cô trò trong buổi học kể chuyện
Cô chia sẻ: “Mỗi trẻ đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo và kể chuyện là một trong những hoạt động giúp trẻ hình thành, nuôi dưỡng, phát huy khả năng sáng tạo của mình một cách tích cực. Khi có môi trường để được hoạt động, trải nghiệm, vui chơi, trẻ có thể tiếp thu kiến thức, thể hiện được khả năng ở tất cả các lĩnh vực”.
Tuy nhiên, do trẻ mầm non hay nhút nhát, vốn từ chưa nhiều, nên nhiều giáo viên thường chưa chú trọng, dù đây là nội dung dạy trong chương trình. Sau thời gian quan sát, hiểu trẻ, cô Thu Hoài mạnh dạn đưa giải pháp này vào tiết dạy và nhận được sự đồng thuận cao.
“Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng cô Thu Hoài là giáo viên giỏi, có tâm, có nghề, dành nhiều tâm huyết, sự sáng tạo trong các chương trình giáo dục trẻ. Ngoài ra, với vai trò là Bí thư chi đoàn, cô Thu Hoài rất trách nhiệm, có những sáng tạo riêng để đưa phong trào của trường đi lên”, cô Lê Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 6, nhận xét.
Chọn và mơ ước được trở thành giáo viên mầm non từ khi học lớp 8, bởi lẽ Thu Hoài cảm thấy mình rất yêu trẻ con nên muốn chăm nom, dạy dỗ những mầm xanh này. Biết rằng nghề nào cũng có cái khó riêng, nên khi bắt tay vào công việc, Thu Hoài luôn nhủ lòng: phải kiên trì, nhẫn nại, làm hết mình và có cố gắng thì sẽ thành công. Với cô giáo mầm non, điều tiên quyết là cô phải yêu trẻ. Có yêu trẻ, gần gũi các con, cô mới biết được từng con trong lớp mình có sở thích, thói quen ra sao. Và yêu trẻ, cô mới có thể đặt hết tâm mình vào công tác nuôi dạy.
Nhìn một lượt khắp các con, cô Hoài bảo đó là bé Khả Anh, múa hát hay lắm; kia là Thanh Thảo rất có năng khiếu vẽ; rồi nhóc kia mê ăn đồ ngọt; nhóc này thích chơi đàn… Trong lớp có 2 bé học hòa nhập, lúc đầu bé nhút nhát lắm, nhưng sau thời gian học cùng cô Thu Hoài, nay bé hòa nhập tốt, biết nghe lời và tự làm một số việc cá nhân. Đang ngồi trò chuyện, một nhóm khoảng 20 bé đi học thể dục nhịp điệu về ùa vào lớp, từng em lễ phép khoanh tay chào cô và khách. Một bé gái sà vào lòng cô nũng nịu: “Con nhớ cô lắm”.
Không chỉ yêu, cô Thu Hoài còn hiểu từng bé trong lớp mình, biết rõ thế mạnh của từng bé để giúp con phát triển. Vì theo sát các con, cô mạnh dạn đưa ra sáng kiến và làm chuyên đề đổi mới “Lấy trẻ làm trung tâm”. Với chuyên đề này, cô giáo phải nắm bắt được trẻ ở trình độ nào để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ, giúp trẻ phát triển tốt hơn. Nếu trước đây, chương trình dạy đánh đồng cho cả lớp thì chuyên đề giúp cô dõi theo các con, phân loại ra từng nhóm để có cách dạy riêng. Sau thời gian thực hiện tại trường, chương trình đã được lên tiết dạy cho các trường trong quận, trên địa bàn TPHCM và nhiều tỉnh, thành triển khai.
Hồi mới đi làm, cô Thu Hoài thấy buồn khi nghe bạn bè, thậm chí ba mẹ bảo “Làm cô giáo mầm non chỉ là giữ với đút trẻ ăn cơm thôi, chứ tuổi đó mà học gì. Rồi không khéo, tụi nhỏ không ngoan, nóng giận lên đánh con người ta thì khổ thân”. Cô giáo trẻ vui vẻ giải thích cho mọi người hiểu về công việc của mình, cũng phải soạn giáo án, cũng phải lên tiết dạy và trẻ con cũng cần phải học rất nhiều, nhất là lễ nghĩa.
“Bác Hồ rất thương yêu thiếu nhi, Bác dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ. Bản thân em luôn học cách yêu thương, chia sẻ với các con. Mỗi ngày em đều học hỏi từng chút để không chỉ hoàn thiện mình mà còn giúp các con hiểu khi yêu thương cho đi chính là nhận lại thật nhiều”, cô Thu Hoài tâm sự.