Văn hóa gia đình

Gia đình có tầm quan trọng đối với sự phát triển của xã hội như sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân - Gia đình vào tháng 1-1959: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Hạt nhân gia đình ở góc độ văn hóa là nơi bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Văn hóa gia đình được thể hiện như là truyền thống gia đình, dòng họ, do mỗi gia đình xây dựng nên hệ giá trị, chuẩn mực để trở thành những “nếp nhà”, tạo điều kiện mỗi gia đình đều thực hiện tốt các chức năng xã hội của mình.

Trong guồng xoay vũ bão của khoa học kỹ thuật, công nghệ và văn minh kỹ thuật số, mỗi con người, mỗi gia đình phải thích ứng với cuộc sống công nghiệp, hiện đại. Văn hóa gia đình truyền thống có thể bị đánh mất những giá trị vốn có trong khi Văn hóa gia đình hiện đại chưa được xác lập rõ nét, có nghĩa sự “quá độ” của văn hóa gia đình hiện nay gần như đồng nghĩa với sự “mất thăng bằng” hoặc “lung lay” của chính bản thân nó, đặc biệt là trong các mối quan hệ gia đình.

Sâu xa hơn có thể thấy xuất hiện những xung đột giữa “quyền lực truyền thống” của nam giới trong gia đình với sự bình đẳng giới, giữa quyền trẻ em và sự áp đặt của cha mẹ, giữa tự do sống chung không kết hôn, tự do tình dục với việc tuân thủ luật pháp, phong tục và đạo đức truyền thống...

Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu ra mục tiêu chủ yếu: “Ổn định, củng cố xây dựng gia đình Việt Nam theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”.

Lâu nay, hoạt động xây dựng gia đình văn hóa thông qua các cuộc vận động có tổ chức, các phong trào rộng lớn như: Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc…

Từng người, từng nhà phải thích ứng, rèn luyện, xây dựng cho mình nhiều thói quen mới, làm quen với cuộc sống và tác phong công nghiệp, hiện đại trong nét dáng nền nã sâu sắc của các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đó là “Đạo hiếu nghĩa, Tình thủy chung, Đức hy sinh, Nghĩa đồng bào”; là xây dựng thói quen tự giác, tích cực, chấp hành luật lệ giao thông; là có ý thức cao, hành vi tốt giữ gìn môi trường sống - văn hóa, từ cảnh quan, sinh thái đến mối quan hệ ứng xử giữa người với người…

Với thành quả trên 10 năm thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, TP Hồ Chí Minh đã tạo được nền tảng ban đầu để bước tiếp xây dựng gia đình văn hóa, góp phần định hình văn hóa gia đình; xác định gia đình là hạt nhân hết sức quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Thành phố như một công trường lớn, nhiều công việc diễn ra cùng lúc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, hình thành thượng tầng kiến trúc về nhận thức và hành vi văn hóa của con người đô thị.

Cấp ủy Đảng ở mỗi địa phương, cơ sở là người dẫn lối đưa đường; chính quyền các cấp là người tổ chức; mỗi người, mỗi nhà trở thành những công nhân, tổ lao động trên công trường lớn này để mỗi ngày đều là ngày năng suất - chất lượng - hiệu quả.

Mọi thành quả đạt được ngay lập tức quay lại phục vụ cuộc sống hiện tại, tạo ra những tiền đề tốt để hình thành tài sản hữu hình, vô hình cho thế hệ tương lai, cho sự phát triển bền vững của một xã hội văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Q. THANH

 

Tin cùng chuyên mục