Hiện trên thị trường nói chung và doanh nghiệp, người tiêu dùng nói riêng vẫn đối mặt với những thách thức từ vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, đối với những mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe con người, môi trường…
Doanh nghiệp trưng bày hàng thật và hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hàng chục ngàn vụ vi phạm mỗi năm
Theo Bộ Công thương, chỉ tính riêng lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý trung bình mỗi năm hàng chục ngàn vụ vi phạm về hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hũu trí tuệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trên ngày càng diễn biến phức tạp, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.
Dẫn chứng cụ thể, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), cho hay những mặt hàng nào được thị trường ưu chuộng đều ngay lập tức bị làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hũu trí tuệ. Vì thế, tại thị trường Việt Nam, lượng hàng giả, hàng nhái từ phân khúc bình dân đến cao cấp đều chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ và ý thức của người dân về hàng giả còn thấp, đã tạo điều kiện để các chủng loại hàng giả len lỏi lưu thông trên thị trường.
Cùng quan điểm, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhận xét các doanh nghiệp, hiệp hội, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế nhận thức vai trò quan trọng của mình trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các đơn vị nhằm xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu cũng như quyền lợi chính đánh của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chưa chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối; cũng như thu thập, cung cấp thông tin để hỗ trợ kiểm tra, xử lý các vi pham hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường.
Tuy nhiên, theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tắc nghẽn” trong sự phối hợp với cơ quan chức năng về chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là do họ còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. Bởi có những vụ việc bắt quả tang về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng quá trình xét xử bị tạm đình chỉ, không được gia hạn điều tra. Điều này khiến doanh nghiệp lúng túng, không biết xoay xở thế nào để tiếp tục theo đuổi vụ kiện đến cùng. Chính việc xử lý các trường hợp vi phạm không triệt để, dẫn đến tình trạng hàng hóa của doanh nghiệp tiếp tục bị làm giả, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng Việt.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ pháp lý
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào thị trường thương mại tự do, thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như phòng chống buôn lậu, hàng giả qua biên giới… là những vấn đề được các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài quan tâm. Trong đó, thống kê của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho thấy, giá trị hàng giả toàn cầu ước lên đến 1.700 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP toàn cầu. Dự báo năm 2017, giá trị hàng giả, hàng nhái toàn cầu có thể tăng cao và chiếm từ 5% - 7% GDP toàn cầu.
Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã không ngừng phối hợp với cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, có thể kể đến các mặt hàng như phụ tùng ô tô, xe máy; linh kiện điện tử, dầu nhớt... Điểm chung của các vụ vi phạm này là hoạt động sản xuất làm giả được tổ chức ở nhiều nơi và bán buôn tại nhiều địa phương. Việc hàng hóa, sản phẩm bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã và đang gây thiệt hại về tài chính, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp và tạo tâm lý bất an đối với người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm.
Trước thực trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp, tinh vi, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, kiến nghị cơ quan chức năng Nhà nước và VATAP nên hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn về mặt pháp lý hoặc trở thành đơn vị đại diện cho doanh nghiệp trong các vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bởi doanh nghiệp không đủ nguồn lực và nghiệp vụ để thực hiện việc theo dõi các đối tượng làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà chỉ có thể cung cấp thông tin về việc phát hiện các tín hiệu, nguy cơ. Bên cạnh biểu dương, vinh danh những đơn vị sản xuất, kinh doanh tuân thủ pháp luật cũng phải có hình thức chế tài, xử phạt nghiêm khắc, đưa lên các phương tiện thông tin truyền thông những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên xem xét lại quy định xử lý đối với các hành vi buôn bán hàng giả, vận chuyển hàng hóa không có nhãn hiệu... vì mức xử phạt như hiện nay chưa đủ tính răn đe các đối tượng vi phạm và là kẽ hở cho kẻ gian thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Song song đó, cần phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng; trong đó, xác định đơn vị đầu mối hoặc đường dây nóng để hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tiếp nhận phản ánh và thông tin về những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Ghi nhận thực tế trên thị trường Việt Nam thời gian qua cho thấy, có những vụ việc không chỉ doanh nghiệp nhỏ, mà còn có cả doanh nghiệp lớn, có thương hiệu cũng gian lận, kinh doanh hàng giả, lừa dối người tiêu dùng. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với doanh nghiệp, mà còn làm mất thương hiệu ngành, thương hiệu quốc gia. Vì vậy, nhận thức của chính bản thân doanh nghiệp trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần tiếp tục được khuyến khích cải thiện và nâng lên hơn nữa.