
Hiểu người tiêu dùng để giữ thị trường
Thị trường nội địa hơn 100 triệu dân vẫn được ví như “mỏ vàng chưa khai thác hết” đối với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng và áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc chinh phục NTD trong nước không còn là bài toán dễ. Để giữ vững thị phần và phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt buộc phải thích ứng, đổi mới và tái cấu trúc toàn diện, từ sản phẩm, công nghệ đến cách tiếp cận khách hàng.
Lý do được ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra là NTD hiện nay chi tiêu thận trọng hơn do ảnh hưởng từ sức khỏe tài chính cá nhân lẫn doanh nghiệp. Trong khi đó, hành vi tiêu dùng cũng chuyển dịch rõ rệt theo hướng cá nhân hóa, đa kênh, minh bạch và đề cao các giá trị xanh, sạch, bền vững. Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, theo khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường, có tới 97% NTD Việt mong muốn trải nghiệm cá nhân hóa; 65% NTD khẳng định sản phẩm, dịch vụ cần được phân phối trên mọi kênh, từ trực tiếp đến trực tuyến. Điều này khiến mô hình mua sắm truyền thống không còn đủ sức hấp dẫn nếu không tích hợp với công nghệ số và phân phối đa nền tảng.
Không dừng lại ở đó, NTD, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng quan tâm tới yếu tố sức khỏe và môi trường. Có tới 74% NTD sẵn sàng chi trả cao hơn 20% để sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Họ không chỉ muốn mua hàng, mà còn muốn sự minh bạch, uy tín và giá trị nhân văn mà thương hiệu mang lại. Tuy nhiên, theo ông Đức, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay trong quá trình chuyển đổi số, chưa bắt kịp xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Trong khi đó,các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại đang làm rất tốt điều này bởi họ có đầy đủ từ công nghệ, hệ thống CRM (quản lý quan hệ khách hàng) đến phân tích dữ liệu NTD. Thừa nhận điều này, ông Lê Duy Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), nói rằng, NTD trẻ hiện nay rất thông minh và rất khác so với trước đây. Họ mua sắm dựa trên trải nghiệm cá nhân, sự minh bạch về chất lượng và cảm xúc gắn kết văn hóa chứ không quan tâm nhiều đến xuất xứ doanh nghiệp là trong hay ngoài nước.
Ngoài các yếu tố trên, với sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử quốc tế và hàng ngoại giá rẻ cũng đang tạo ra áp lực rất lớn. Chỉ với vài cú nhấp chuột, NTD Việt có thể tiếp cận hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu, thậm chí giá chỉ bằng 1/3 so với hàng nội địa. Trong khi đó, tốc độ giao hàng từ các sàn xuyên biên giới ngày càng nhanh, khiến sự cạnh tranh ngày càng lớn.
Kết nối sức mạnh cộng đồng
Trước những áp lực của thị trường, ông Lê Duy Cường khẳng định, ngoài giữ vững chất lượng sản phẩm, SCC còn nhấn mạnh vào bản sắc văn hóa Việt Nam để khơi gợi lòng tự tôn dân tộc. Theo đó, sản phẩm của doanh nghiệp này đã khai thác triệt để yếu tố bản địa, gồm nguyên liệu sản xuất, khâu thiết kế cho đến mẫu mã sản phẩm. Chính điều này đã giúp những sản phẩm của SCC như nước hoa Miss SàiGòn, dầu gội thảo dược… chạm đến trái tim NTD.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, đơn vị luôn ý thức sâu sắc vai trò tiên phong trong việc kết nối hàng Việt với thị trường nội địa. “Hiện nay, khoảng 95% hàng hóa trong hệ thống phân phối của Saigon Co.op là sản phẩm trong nước. Đây là tỷ lệ rất cao nếu so với các hệ thống bán lẻ khác. Ưu tiên này dành cho các mặt hàng chất lượng cao, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và đặc sản vùng miền, từ đó góp phần phát triển nông sản nội địa và bảo tồn bản sắc văn hóa tiêu dùng Việt”, ông Lê Trường Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, Saigon Co.op không chỉ dừng lại ở việc bán hàng Việt. Theo ông Sơn, đơn vị đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để giúp hàng hóa trong nước trụ vững trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Và một trong những chiến lược trọng tâm của Saigon Co.op là tăng cường liên kết vùng, phối hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Các vùng sản xuất được phân định rõ sản phẩm thế mạnh, từ đó giảm thiểu trùng lắp, nâng cao chất lượng và giảm chi phí logistics. Việc xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch cũng giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của NTD, đồng thời tăng năng lực truy xuất nguồn gốc - yếu tố được xem là bắt buộc trong hệ thống phân phối hiện đại.
Một điểm quan trọng khác theo ông Sơn, dù thương mại điện tử ngày càng phát triển, Saigon Co.op vẫn xác định hệ thống cửa hàng vật lý là nền tảng quan trọng để duy trì kết nối cảm xúc với NTD. Do đó, chiến lược mở rộng mạng lưới bán lẻ vẫn được chú trọng, song song với việc đầu tư mạnh vào số hóa và trải nghiệm khách hàng trên các nền tảng trực tuyến. “Saigon Co.op từng bước áp dụng các giải pháp công nghệ mới như ứng dụng dữ liệu lớn (bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa trong quản lý kho và logistics…giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm và tăng tính cạnh tranh”- ông Lê Trường Sơn nói thêm.
Trước xu hướng tiêu dùng hướng đến sức khỏe và môi trường, Saigon Co.op cũng ưu tiên các mặt hàng thân thiện môi trường, có chứng nhận chất lượng, đặc biệt là sản phẩm có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây cũng là một phần trong chiến lược xây dựng hệ thống phân phối minh bạch, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, để vững chân trên sân nhà, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng nâng cao năng lực tuân thủ, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, FSC, WRAP… và quan trọng hơn cả là đầu tư xây dựng thương hiệu riêng (OBM) thay vì chỉ gia công.