Tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nội địa, song để được người tiêu dùng (NTD) biết đến nhiều hơn và từng bước mở rộng thị phần ra thế giới, vẫn còn nhiều việc cần làm.

Sản phẩm OCOP bán tại siêu thị Co.opmart, TPHCM
Sản phẩm OCOP bán tại siêu thị Co.opmart, TPHCM

Đi vào kênh mua sắm hiện đại

Không cần chờ đến hội chợ hay dịp quảng bá, các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) giờ đây đã hiện diện thường xuyên tại các hệ thống siêu thị lớn và ngày càng được NTD đón nhận tích cực.

Thực tế, khi mua sắm tại siêu thị Co.opmart, Co.opXtra hay Co.op Food… sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh NTD chọn mua sản phẩm OCOP đã được chứng nhận 3-4 sao, danh mục đa dạng như nông sản, thực phẩm, rau củ quả…

Những sản phẩm OCOP có mặt các siêu thị nói trên không chỉ mang tính biểu tượng vùng miền mà còn đảm bảo tiêu chí chất lượng khắt khe. Đơn cử như nhóm các sản phẩm mật ong, bột nghệ của Tập đoàn Xuân Nguyên - đây là những sản phẩm đặc trưng của TPHCM. Theo ông Lưu Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Nguyên, để đạt chứng nhận 3-4 sao, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí như sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, có tính sáng tạo, chất lượng tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị sử dụng cao, bao bì và mẫu mã được thiết kế đẹp mắt, giá cả hợp lý, doanh thu cao đồng thời có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu của NTD trong và ngoài nước. Ông Vũ cho biết, nhóm sản phẩm đạt chuẩn OCOP hiện chiếm tới 35% trong tổng doanh thu của Xuân Nguyên. Điều phấn khởi với doanh nghiệp là các kênh bán lẻ còn dành riêng quầy kệ giới thiệu về sản phẩm OCOP, giúp doanh nghiệp không phải lo việc doanh số thấp sẽ bị loại khỏi siêu thị.

Tương tự, sản phẩm cà phê nông sản thương hiệu Meet More của Công ty Liên kết Toàn Cầu cũng được đông đảo NTD yêu thích và chọn lựa nhờ yếu tố mới lạ. Chị Mai Thúy Hằng (quận 8, TPHCM), chia sẻ, chị vốn không sử dụng được cà phê nhưng sản phẩm cà phê nông sản của Meet More độc đáo bởi có sự pha trộn giữa cà phê và nhiều loại trái cây, tạo ra vị đặc biệt, dễ uống hơn. Một yếu tố khác khiến chị thích thú là sản phẩm này được thiết kế bao bì đẹp mắt, phù hợp thị hiếu NTD thành thị.

Nhà bán lẻ chung sức

Sự phổ biến của sản phẩm OCOP ngoài nỗ lực từ chính nhà sản xuất còn là chiến lược bền bỉ từ nhà bán lẻ. Điển hình như Saigon Co.op - đơn vị chủ quản hệ thống Co.opmart đã liên tục triển khai các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP một cách mạnh mẽ và có hệ thống. “Sản phẩm OCOP khi được vào hệ thống Co.opmart, Co.opXtra… được hỗ trợ và ưu tiên các các vị trí đắc địa nhất trong siêu thị. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ thông qua các bảng biểu chỉ dẫn, chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm tạo điều kiện để hàng OCOP tiếp cận dễ dàng với NTD”, ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, cho biết.

Mới đây nhất, Saigon Co.op đã dành trọn dành 2 tuần của tháng 4-2025 để trưng bày và giới thiệu chuỗi sản phẩm của các HTX, làng nghề trên toàn quốc, sản phẩm OCOP tại 800 điểm bán của mình. Các sản phẩm này được trưng bày ấn tượng, đồng thời giảm giá từ 30-50% để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, một số siêu thị Co.opmart còn phối hợp với tỉnh thành nơi trú đóng tổ chức lễ hội hàng OCOP nhằm giới thiệu mặt hàng đặc trưng địa phương đến với NTD cả nước.

Thống kê từ Saigon Co.op, nhà bán lẻ này đã cung cấp danh mục gần 1.000 sản phẩm OCOP, hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp từ nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thái Nguyên, Đồng Nai, Tây Ninh, TPHCM, Lâm Đồng và các tỉnh ĐBSCL…

Việc Saigon Co.op chủ động mở rộng không gian cho hàng Việt, đặc biệt là hàng OCOP, không chỉ tạo cầu nối giữa nông thôn - thành thị, mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững. Theo đại diện Saigon Co.op, trong năm 2025, hệ thống sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các địa phương để mở rộng số lượng sản phẩm OCOP tại siêu thị. Không chỉ giúp NTD dễ dàng tiếp cận sản phẩm địa phương chất lượng, hoạt động này còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đúng như tinh thần của chương trình OCOP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những sản phẩm chưa thể tiếp cận được hệ thống phân phối hiện đại, chưa được NTD biết đến. Do đó, để sản phẩm OCOP nâng lên tầm cao hơn, vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP phải khắc phục được một số điểm chưa làm tốt. Đó là phải đáp ứng đơn hàng lớn, dài hạn, sản xuất lượng sản phẩm ổn định, đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm; khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP cần được chú trọng hơn.

Ông LÊ TRỌNG ĐÔN, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM Cà Mèn:

Để được gắn sao OCOP, chúng tôi phải trải qua quá trình đánh giá gắt gao nhưng vẫn có nhiều NTD không biết đến sản phẩm OCOP và chúng tôi phải giải thích, họ mới hiểu. Do đó, có thể khai thác quảng bá theo hướng: sản phẩm OCOP được phát triển trong hệ sinh thái nông nghiệp, thủy hải sản, giải quyết công ăn việc làm cho công nhân. Khi mọi người hiểu về giá trị này, khi sử dụng sản phẩm, họ hiểu là đang giúp nông dân phát triển và bản thân người dùng cũng nằm trong hệ sinh thái này.

Tin cùng chuyên mục