
Bất an với thực phẩm không an toàn
Theo Sở Công thương TPHCM, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn hiện vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi hơn. Các mặt hàng vi phạm không còn giới hạn ở một vài nhóm đơn lẻ mà lan rộng từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói sẵn, nội tạng động vật… đến cả mặt hàng đường cát, đồ uống.
Thống kê của Sở Công thương TPHCM cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng. Một số vụ việc phải kể đến như: tạm giữ hơn 50 tấn nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỷ đồng; phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi, 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12. Trên không gian mạng, lực lượng QLTT cũng phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, chỉ riêng ngày 14-5 vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện 1 điểm tại chợ Bình Tây đang kinh doanh hàng chục hộp yến sào không rõ nguồn gốc, 1 điểm tại quận 8 rao bán hàng trăm gói bột thực phẩm qua thương mại điện tử mà không có giấy tờ hợp lệ.
Theo Sở Công thương, các hành vi vi phạm thường liên quan đến việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng nguyên liệu hết hạn, vi phạm điều kiện vệ sinh, sai
nhãn hàng hóa. Đây là các hành vi trực tiếp gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Vấn đề là do thiếu ý thức trách nhiệm của người sản xuất khi đưa sản phẩm ra thị trường nên gây khó cho công tác kiểm soát chất lượng. “Khi phát hiện sai phạm thì chế tài không đủ sức răn đe, nhiều nhà sản xuất chấp nhận đánh đổi việc bị phát hiện, bị xử lý nếu hàng không đảm bảo chất lượng thông qua việc cắt hợp đồng tại một hệ thống phân phối, rồi lại mang sản phẩm bán ở hệ thống phân khối khác”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết.
Đồng bộ các giải pháp
Để kiểm soát tình trạng trên, Sở Công thương TPHCM đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp quyết liệt như tăng cường hậu kiểm thực phẩm. Cụ thể là tập trung triển khai Kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025, đẩy mạnh kiểm tra đột xuất tại chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng... Đồng thời phối hợp liên ngành giữa Công an TPHCM, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm TPHCM để tăng cường hiệu quả giám sát.
Ngoài ra, sở cũng thực hiện vận động hàng ngàn cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm trên địa bàn ký cam kết “không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ”. Cùng với đó, công khai đường dây nóng và khuyến khích người dân mạnh dạn phản ánh các hành vi vi phạm. Đặc biệt, là đầu mối tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước, TPHCM sẽ triển khai các chương trình phối hợp liên tỉnh để kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay từ nơi sản xuất. Chẳng hạn, chương trình hợp tác giữa TPHCM và Đồng Nai giúp đảm bảo chất lượng thịt, trứng được kiểm soát trước khi đưa vào thị trường.
Một hoạt động quan trọng khác, đó là đẩy mạnh triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (còn được gọi là Tick xanh trách nhiệm) sẽ được triển khai rộng rãi hơn. “Việc phối hợp cùng kiểm soát và cam kết xử lý tại tất cả các hệ thống phân phối mới giúp chế tài áp dụng với nhà cung cấp sai phạm mạnh hơn. Doanh nghiệp tham gia sẽ nộp hồ sơ đăng ký, được duyệt sẽ ký cam kết khẳng định chất lượng. Chỉ cần một trong các hệ thống phân phối phát hiện sai phạm, thông tin sẽ công khai đến tất cả hệ thống bán lẻ và sản phẩm sẽ bị loại ra khỏi thị trường”, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định. Theo ông, mục tiêu dài hạn là tất cả các sản phẩm lưu thông trên thị trường TPHCM đều được dán logo “Tick xanh trách nhiệm”, qua đó người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện và truy xuất thông tin về chất lượng, quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm thông qua mã QR.
Tín hiệu tích cực là sau hơn 1 năm triển khai, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” đã thu hút được sự tham gia của hơn 300 nhà cung cấp và 11 hệ thống phân phối lớn trong cả nước. Theo nhà bán lẻ Saigon Co.op, kể từ khi tham gia vào chương trình, đơn vị đã bắt tay ký kết với hàng chục nhà cung cấp và đang tiếp tục vận động thêm nhiều nhà cung cấp tìm hiểu, tham gia chương trình. Đồng thời các sản phẩm tham gia “Tick xanh trách nhiệm” đã được dán logo “tick xanh”, trên bảng giá cũng có logo để người tiêu dùng dễ nhận diện.
Đáng mừng hơn, theo ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (tỉnh Bình Dương), sau nửa năm tham gia chương trình, sản lượng tiêu thụ dưa lưới của hợp tác xã vào các hệ thống của Saigon Co.op đã tăng rõ rệt. “Việc tham gia Tick xanh trách nhiệm không chỉ giúp chúng tôi tăng độ tin cậy với người tiêu dùng mà còn là vũ khí cạnh tranh trong bối cảnh thị trường đầy rẫy hàng kém chất lượng”, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu Meet More, nhận xét.
Ra đời vào tháng 3-2024, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” được xem là một sáng kiến đặc biệt, không chỉ tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm mà còn khơi dậy trách nhiệm từ chính các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và các hệ thống phân phối. Một trong những điểm đặc biệt của chương trình này là đưa người tiêu dùng vào vị trí trung tâm trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng ngày càng thông thái và có xu hướng lựa chọn sản phẩm có thông tin minh bạch. Do đó, sự hiện diện của “Tick xanh trách nhiệm” cũng là lời cam kết từ doanh nghiệp về chất lượng và đạo đức kinh doanh.