Doanh nghiệp “xoay trục” thị trường để vượt khó

Trong bối cảnh giá điện tăng, chi phí sản xuất leo thang, cùng áp lực từ thị trường xuất khẩu sụt giảm đã đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) vào thế khó khăn. Dẫu vậy, không ít đơn vị đã tìm lối đi riêng, xoay trục chiến lược một cách linh hoạt để vượt qua thách thức.

Khách hàng chọn sản phẩm tại một siêu thị Co.opmart, TPHCM
Khách hàng chọn sản phẩm tại một siêu thị Co.opmart, TPHCM

Chi phí tăng, lợi nhuận thu hẹp

Từ ngày 10-5, giá điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 4,8% đã khiến nhiều DN bị đội thêm chi phí. Ông Lê Trọng Đôn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM Cà Mèn, chia sẻ: “Chỉ riêng 3 tháng gần đây, thời tiết nắng nóng đã khiến chi phí tiền điện của công ty tăng từ 30 triệu đồng lên trên 40 triệu đồng/tháng - tương đương tăng gần 30%. Nay với giá điện tăng thêm 4,8%, công ty đang phải tính toán lại toàn bộ chi phí vận hành”. Không chỉ điện được ví như là một trong nhiều “lưỡi kéo” đang cắt xén lợi nhuận của DN, mà theo ông Lê Trọng Đôn, từ đầu năm đến nay, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu như tôm, thịt, cá - đầu vào thiết yếu cho hoạt động sản xuất cũng đồng loạt tăng giá từ 10%-20%. Chưa kể DN đã buộc phải tăng lương cho người lao động gần 20% để giữ chân nhân lực có tay nghề. “Doanh thu của công ty chỉ khoảng 10 tỷ đồng/năm, nhưng riêng tiền điện đã chiếm gần 500 triệu đồng. Tính thêm các khoản chi phí khác như nhân công, nguyên vật liệu, vận chuyển…, gần như không còn lợi nhuận mấy. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái đầu tư cũng như duy trì hoạt động ổn định của đơn vị”, ông Đôn nói thêm.

Tình cảnh của Công ty TNHH SX-TM Cà Mèn không phải là cá biệt. Với những DN hoạt động trong lĩnh vực mỹ phẩm - nguyên vật liệu và quy trình đóng gói chiếm tỷ trọng lớn, câu chuyện chi phí tăng cao cũng đang là chuyện đau đầu. Ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc tiếp thị phát triển thị trường Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang bị siết lại bởi các chính sách thuế đối ứng, đặc biệt từ thị trường Mỹ, thêm giá điện tăng chẳng khác nào một “cú bồi” khiến không ít DN chao đảo. Ông Dũng lý giải, tác động đầu tiên dễ nhận thấy nhất là giá thành sản phẩm tăng theo chi phí sản xuất. Nhưng do cạnh tranh khốc liệt, SCC không thể đơn giản là tăng giá bán. “Chúng tôi chỉ còn cách điều chỉnh yếu tố mẫu mã, bao bì hoặc tung ra dòng sản phẩm mới để áp dụng mức giá khác, nhưng việc này cần thời gian, chi phí phát triển và chưa chắc đã hiệu quả”, ông Vương Ngọc Dũng chia sẻ. Theo các DN, về lâu dài, điều đáng lo nhất là việc suy giảm năng lực cạnh tranh. Bởi một khi lợi nhuận bị thu hẹp, họ sẽ có ít nguồn lực hơn để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, quảng bá, mở rộng thị trường - những yếu tố then chốt để giữ vị thế trong ngành hàng có tốc độ thay đổi rất nhanh như hàng tiêu dùng.

Linh hoạt chiến lược sản xuất, kinh doanh

Trong khi nhiều DN vẫn đang loay hoay giữa cơn bão chi phí, một số khác đã chủ động chuyển đổi để giảm áp lực từ đầu vào. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, chia sẻ, chi phí điện hiện chiếm khoảng 2% tổng chi phí giá sản phẩm. Nhưng trong bối cảnh đơn hàng giảm, đầu ra không thể tăng giá, buộc công ty phải nghĩ đến việc tiết giảm từ bên trong. May mắn là từ vài năm trước, DN này đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống pin tích điện mặt trời. Hiện tại, toàn bộ các nhà máy của Việt Thắng Jean đã vận hành gần như hoàn toàn bằng năng lượng sạch. “Chi phí đầu tư ban đầu lớn, tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi đã tiết kiệm được một phần đáng kể trong cơ cấu chi phí vận hành. Đó cũng là bước đi hướng tới sản xuất bền vững, thân thiện môi trường - điều ngày càng được đối tác quốc tế đánh giá cao”, ông Phạm Văn Việt nói.

Ngoài giải pháp trên, theo nhiều DN, trong giai đoạn thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp bởi những hàng rào kỹ thuật và chính sách thuế, họ đã chọn chiến lược “bám rễ” ở sân nhà. Đây không phải là giải pháp tình thế mà DN xác định thị trường nội địa sẽ là hướng đi bền vững để đảm bảo sự ổn định lâu dài. Ông Vương Ngọc Dũng cho biết, SCC đang triển khai hàng loạt biện pháp tiết giảm chi phí, đồng thời đẩy mạnh tiếp cận người tiêu dùng nội qua các hình thức marketing số và phân phối linh hoạt. “Chúng tôi cắt giảm một số hoạt động quảng bá truyền thống tốn kém, thay vào đó là livestream giới thiệu sản phẩm, ưu đãi combo trực tuyến hoặc kết hợp với KOLs để tạo hiệu ứng lan tỏa. Mặt khác, chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op bởi hệ thống này phủ rộng toàn quốc, có lượng khách hàng trung thành và ưu tiên hàng Việt. Kết quả ban đầu rất khả quan, một số dòng sản phẩm chủ lực của SCC đã có sự tăng trưởng tốt”, ông Dũng cho biết. Tương tự, Công ty Cà Mèn cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ kênh bán lẻ hiện đại. “Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu của chúng tôi đã tương đương với 6 tháng đầu năm ngoái. Một phần lớn nhờ vào việc đẩy mạnh hợp tác với các chuỗi siêu thị, trong đó có hệ thống siêu thị Co.opmart. Khi sản phẩm được trưng bày tại những điểm bán uy tín, tâm lý người tiêu dùng cũng yên tâm hơn”, ông Lê Trọng Đôn nhìn nhận.

Trong lĩnh vực bán lẻ, để ứng phó với các chi phí vận hành tăng, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã và đang tập trung nhiều giải pháp linh hoạt. Điều này thể hiện rõ nét qua 9 dự án nền tảng, cải cách quyết liệt được Saigon Co.op thực hiện trong năm 2025. Đó là đẩy mạnh kinh doanh hiệu quả, nâng chuẩn môi trường mua sắm, “đại phẫu” Co.op Food và mô hình nhỏ, chuyển đổi thương mại điện tử, hoàn thiện các dự án công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống kho bãi - logistics, cải tổ hàng hóa, thực hiện Quỹ dự phòng phát triển điểm bán, cấu trúc tinh gọn, hiệu quả… Một điểm đáng chú ý khác là hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại của Saigon Co.op đã sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời, lắp trên mái nhà của chính các siêu thị, trung tâm thương mại. Theo Saigon Co.op, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời ngoài giảm chi phí mua điện, tiết kiệm điện, còn có ưu điểm là các tấm pin giúp giảm nhiệt bên trong tòa nhà và cân bằng ánh sáng ở khu vực mái lắp kính.

Với vai trò là “bệ đỡ” cho hàng Việt, Saigon Co.op khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà sản xuất nội địa bằng việc ưu tiên quầy kệ, diện tích trưng bày… cũng như tổ chức nhiều hoạt động tạo không gian kết nối cho hàng Việt tới người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục