Hà Nội đang trong đợt lạnh đậm nhất từ đầu mùa đông, song cái rét như cắt da cắt thịt ấy dường như tan biến trong triển lãm “Một gương mặt của lịch sử” của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen, khai mạc sáng 16-12, tại khuôn viên Thư viện Quốc gia.
Thông điệp của những trái tim
Triển lãm 34 bức họa về 34 gương mặt nhà văn Việt Nam, hầu hết đều là cựu binh, lại do một nhà thơ, cũng là cựu binh từng một thời ở “phía bên kia” vẽ và cùng hội tụ trong tình cảm yêu thương, như những người thân trong gia đình. Đây quả là một sự kiện văn hóa độc đáo và đầy ý nghĩa. Vì thế, mặc dù khai mạc vào một sáng Hà Nội lạnh 110C kèm mưa rơi, khiến ngày đông càng thêm tê tái, nhưng triển lãm mang tên “Một gương mặt của lịch sử” của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen, vẫn thu hút rất đông người dự, hầu hết là các nhà văn tên tuổi: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Chu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê, Y Ban, Trần Đăng Khoa…
Có mặt tại triển lãm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xúc động chia sẻ: “Kevin Bowen, với những năm tháng không mệt mỏi trong việc xây dựng cây cầu văn hóa, đã thực sự trở thành chiến sĩ hòa bình tiêu biểu của nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam”. Kevin Bowen đã đón rất nhiều nhà văn Việt Nam sang Mỹ. Ở trong ngôi nhà của Kevin tại Boston, họ đã có những khoảng thời gian trò chuyện, trao đổi về văn chương, nghệ thuật, công việc sáng tác cũng như đời sống văn hóa xã hội. Chính trong những khoảnh khắc đó, nhà thơ Kevin Bowen đã nhìn thấu được vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn của những người bạn Việt Nam và ông thể hiện cái nhìn đó qua những bức chân dung đầy cảm xúc. “Với hội họa, Kevin Bowen không phải là họa sĩ nghiệp dư, mà ông đã vẽ từ chính trái tim mình, vì vậy đây là những tác phẩm “tranh ở ngoài tranh”. Phòng tranh này là sự cảm phục của Kevin Bowen đối với các cựu chiến binh Việt Nam, qua những bức tranh, ông đã truyền tới chúng ta một thông điệp: “Thế giới sẽ trở nên an toàn hơn, bền vững hơn nếu được thiết lập trên cơ sở hiểu biết, hữu nghị và hơi ấm nhân văn”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Kevin Bowen làm rất nhiều việc ủng hộ Việt Nam từ làm thơ, viết báo, tham gia biểu tình ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và sau này ông còn là cầu nối hòa bình khi đón tiếp rất nhiều các văn nghệ sĩ của Việt Nam khi đến Mỹ. Song dường như điều đó vẫn chưa thỏa được khát vọng là muốn thiết lập tình hữu nghị giữa hai bên. Ông mong muốn tình hữu nghị ấy ngày càng mật thiết hơn, chặt chẽ hơn và triển lãm này chính là sáng kiến của trái tim, của tài năng.
Xích lại gần hơn
Con đường đến với hội họa của Kevin khá kỳ lạ. Sau một tai nạn, ông bị tổn thương não và mất đi một phần trí nhớ. Ông đã tìm được cách phục hồi trí nhớ rất kỳ diệu, là nhớ lại những gì thân thuộc nhất, đó là những người thân và các nhà văn Việt Nam. Trước đây, ông đã vượt qua nhiều thử thách, áp lực để đón các nhà văn Việt Nam và những ký ức đẹp đẽ về những người bạn Việt Nam đã đồng hành với ông qua những nét cọ. Kevin Bowen tâm sự: Trong hòa bình, chúng ta đến bên nhau bằng tình cảm của những người bạn. Tôi đã vẽ các bạn bằng ký ức tuổi hai mươi cộng với những năm tháng cuộc đời sau cuộc chiến, tạo nên một gương mặt của lịch sử trong tôi. Đó là cách tôi muốn tri ân các bạn. Tôi sẽ tiếp tục vẽ, sẽ còn rất nhiều công việc chúng ta phải làm cùng nhau… Vì thế, những bức chân dung này không phải chỉ treo trên tường mà ở ngay trong trái tim tôi”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một người bạn thân thiết của Kevin, xúc động nói: Ông không phải là họa sĩ, vì thế những bức vẽ cũng không mang nhiều tính hội họa. Mà trong các nét vẽ vụng về của ông, mọi người đều hiện lên với vẻ thánh thiện, chân thành và đẹp đẽ. Kevin không định trở thành một họa sĩ, ông đem tranh về Việt Nam không phải để triển lãm, mà là mang phần đẹp đẽ của chúng ta, trả lại để chính chúng ta phải nhớ lại, phục hồi ký ức về những năm tháng xa xưa. Đó là khi chiến tranh kết thúc, quan hệ Việt - Mỹ căng thẳng vô cùng và khi các chính khách, các nhà ngoại giao, các nhà kinh tế… không đến được với nhau thì mỗi nhà văn Việt Nam, nhà văn Mỹ, là những sứ giả hòa bình đầu tiên đã đến và cất tiếng nói hòa bình, hòa giải dân tộc.
Nhà văn Đỗ Chu mắt ngân ngấn lệ khi đến triển lãm đặc biệt này. Ông nói nghẹn ngào: Kevin là một người tài năng cả về văn chương và hội họa, dù anh ý chỉ vẽ cho vui và tôi thật thích thú trước bức tranh của Kevin vẽ tôi. Triển lãm của Kevin cũng là một vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội hôm nay, bởi triển lãm này làm cho chúng tôi thấy yên lòng giữa một đất nước còn nhiều gian nan. Chúng ta nên học chị Kevin và những người bạn Mỹ ở đây, cố gắng đem tấm lòng, trí tuệ để làm ra những cuộc gặp gỡ ấm áp, đầy ân tình, để sống tiếp những năm tháng đầy hy vọng, không làm mất đi tình yêu của trí thức Mỹ - Việt Nam. Có thể khó khăn còn nhiều, thách thức còn lắm, nhưng chúng ta sẽ cùng nhau vượt lên bao gian khó để đến với nhau, xây những ngôi nhà đẹp hơn cho con cháu sau này.
Toàn bộ số tranh của nhà thơ Kevin Bowen được một doanh nhân mua và tặng lại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
MAI AN