Vi phạm bản quyền: Tinh vi, khó quản - Bài 1: Đủ kiểu làm giả, nhái, chép, cầm nhầm

LTS: Tình trạng vi phạm bản quyền tiếp tục được nêu ra như một vấn nạn tại hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 31-3. Báo SGGP giới thiệu đến bạn đọc loạt bài Vi phạm bản quyền: Tinh vi, khó quản, nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thực trạng nhức nhối này.

“Cuối năm 2022, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an phát hiện 1 cơ sở in sách giả số lượng lên đến… 100 tấn. Một con số khủng khiếp, mà đó chỉ mới là trong 1 lần phát hiện. Cơ sở này hoạt động bao năm nay thì con số sách giả nhiều đến mức nào, bởi họ làm ra xưởng in chắc chắn không chỉ để in 1 lần, và 100 tấn sách giả, họ bán ở đâu?”, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM, lên tiếng.

Làm giả tinh vi, thản nhiên sao chép

Anh Trần Tuấn Anh (ngụ quận 10, TPHCM) biết về cuốn Hành trình về phương Đông đã lâu nhưng chưa có cơ hội tìm mua ở nhà sách. Một lần, đi làm về, anh thấy có điểm bán sách trên đường Lý Thường Kiệt, cả trăm đầu sách để trên một tấm ni lông. Anh dừng xe và tìm thấy ngay Hành trình về phương Đông. “Tôi thấy giá ổn, tên công ty đầy đủ, bán đúng giá bìa, chất lượng giấy cũng tàm tạm nên mua. Ai ngờ, sau khi cho một người bạn mượn đọc thì bạn cho biết tôi mua phải sách giả với những điểm đáng ngờ mà khi mua tuyệt nhiên không phát hiện được”, anh Tuấn Anh cho hay.

"Quyền tác giả là các quyền dân sự. Bản thân từng cá nhân thực thi và cho phép người khác sử dụng. Nhưng trên thực tế, không phải quyền nào mọi người cũng có thể quản lý được và hãy dành thời gian để đầu tư, nghiên cứu, sáng tạo nên những tác phẩm mới. Việc quản lý, khai thác quyền của mình hãy dành cho các tổ chức đại diện am hiểu và có các công cụ đảm bảo quyền lợi cho các tác giả. Đây là mô hình mà các nước trên thế giới đã và đang làm. Ở Việt Nam đã có các tổ chức như vậy, đó là cầu nối giữa tác giả và các bên liên quan khai thác sử dụng ủy quyền cho họ để họ thay mặt mình quản lý các quyền của mình, cho phép các bên khai thác sử dụng để có thể bảo vệ, thực thi quyền của mình một cách tốt hơn"

- Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL

Công ty Văn hóa Sáng tạo First News - Trí Việt, đơn vị sở hữu bản quyền của nhiều cuốn sách nổi tiếng bán chạy như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi, Hành trình về phương Đông, Nghĩ giàu làm giàu, Muôn kiếp nhân sinh... cho biết, để bảo vệ uy tín, công ty này buộc phải đổi sách thật cho bạn đọc vì sách in lậu vẫn có đầy đủ logo, địa chỉ, điện thoại của First News, nhưng gần đây số lượng lại quá nhiều, như trường hợp anh Tuấn Anh gặp phải. Thậm chí có những tựa sách mới lên kệ được vài hôm như Muôn kiếp nhân sinh thì sách giả đã bán rất nhiều, với giá thậm chí chỉ bằng 50% giá bìa.

Họa sĩ Lê Thế Anh tố cáo bức tranh Lì xì nhé của mình (bên phải) bị ông Phạm Hồng Minh sao chép (bên trái). Ảnh: NVCC

Họa sĩ Lê Thế Anh tố cáo bức tranh Lì xì nhé của mình (bên phải) bị ông Phạm Hồng Minh sao chép (bên trái). Ảnh: NVCC

Theo ông Lê Hoàng, người dân vô tình tiếp tay cho hành vi xâm hại hoạt động xuất bản trong lĩnh vực sở hữu bản quyền liên quan đến sách. Cộng thêm quan niệm sai lầm “vô phúc đáo tụng đình”, nhiều người không muốn đụng đến luật pháp nên nếu bản thân có mua phải hàng dỏm thì cũng chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt”, bụng bảo dạ “lần sau đừng mua chỗ này nữa”, “chừa cái mặt nó ra” chứ không rỗi hơi mà “con kiến đi kiện củ khoai”, vừa mất thời gian, tiền bạc, không khéo lại... rước họa vào thân.

Hội Nhiếp ảnh TPHCM cho biết, mới đây hàng trăm bức ảnh chụp về các loại chim hoang dã của nghệ sĩ nhiếp ảnh bị sao chép để in sách Chim Việt Nam với 200 cuốn, giá bán 1,2 triệu đồng/cuốn, trong khi nghệ sĩ nhiếp ảnh không được trả nhuận bút đồng nào. Hay như Tuyển tập cảnh đẹp Việt Nam với hơn 300 bức ảnh về văn hóa, địa lý, con người của 54 dân tộc anh em đã bị ăn cắp công khai. Hàng loạt trang web kinh doanh du lịch, các trang mạng cá nhân có tính chất thương mại đã sử dụng ảnh nghệ thuật phong cảnh, cắt ghép. Họ chèn chữ, lồng hình chân dung chủ nhân cơ sở kinh doanh vào một cách thản nhiên như chính sáng tác của họ.

“Trước phản ứng của các nghệ sĩ nhiếp ảnh và tổ chức hội, một số nhà xuất bản đã ra quyết định thu hồi vài đầu sách. Tuy nhiên, có nhiều bản đã được bán ra thị trường chưa thể thu hồi, và cứ thế người sử dụng lại thản nhiên sao chép… Chưa kể, trong thị trường lịch, việc vi phạm bản quyền nhiếp ảnh diễn ra nhiều hơn. Có nơi chỉ trả tiền nhuận ảnh một lần nhưng lại sử dụng nhiều lần; có doanh nghiệp lấy ảnh để đăng quảng cáo, khi bị phát hiện thì xin lỗi hoặc gỡ ảnh xuống để đối phó nhưng thực tế họ đã in rất nhiều tờ rơi, áp phích quảng cáo”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, phụ trách Văn phòng đại diện phía Nam tại TPHCM, nói.

Gánh họa và gánh nợ

Lĩnh vực hội họa là “môi trường thuận lợi” cho các hành vi vi phạm bản quyền. Cuối năm 2022, họa sĩ Lê Thế Anh liên tiếp tố cáo họa sĩ Phạm Hồng Minh chép hai bức tranh Lì xì nhé và Cô gái Dao đỏ của anh và ký tên lên đó, vụ việc này nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng.

Trên nhóm facebook có tên “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” do họa sĩ Bùi Trọng Dư thành lập, nhiều họa sĩ cũng cho hay, tranh của mình bị đạo, nhái, chép công khai và ký tên tác giả mới. Họa sĩ Dũng Huy cho biết, bức tranh vẽ sen của mình bị chép và bán công khai. Họa sĩ Bùi Trọng Dư chia sẻ, anh không thể biết có bao nhiêu tác phẩm của mình đã bị vi phạm bản quyền và cũng không biết hết các hình thức vi phạm. “Chỉ khi có nhà sưu tập hay bạn bè gửi, tôi mới biết. Thường hình thức vi phạm phổ biến là chép lại tác phẩm của mình hay sử dụng trong trang trí các sản phẩm ứng dụng, in lên áo dài...”, anh nói.

Có những trường hợp “cầm nhầm” khiến người đi kiện cũng mệt mỏi theo đuổi tới cùng công lý. Vụ việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” lời bài hát Gánh mẹ giữa nhà thơ Trương Minh Nhật với ông Đoàn Đông Đức (tức nhạc sĩ Quách Beem), Công ty TNHH Lý Hải Production (do ca sĩ Lý Hải thành lập) là điển hình. Vụ kiện kéo dài từ năm 2019, đến nay đã gần 4 năm, vẫn đang… chờ xét xử phúc thẩm. Ngày 25-4-2022, TAND TPHCM đã ban bố phán quyết sơ thẩm, công nhận ông Trương Minh Nhật là tác giả bài thơ Gánh mẹ, ông Đoàn Đông Đức phải bồi thường 122,4 triệu đồng. Hội đồng xét xử cho rằng có cơ sở xác định năm 2014 ông Trương Minh Nhật đăng bài thơ Gánh mẹ lên Facebook, sau đó được chia sẻ lại.

Trong khi đó, ông Đoàn Đông Đức viết trong tờ khai đăng ký quyền tác giả bắt đầu sáng tác nhạc và lời bài hát Gánh mẹ vào tháng 10-2013 nhưng không chứng minh được. Không lâu sau đó, ông Đoàn Đông Đức đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, khẳng định mình là tác giả của cả lời và nhạc bài hát này. Ông Trương Minh Nhật mới đây cho biết: “Đã 4 năm nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, lần nào tòa triệu tập thì bị đơn cũng vắng mặt khiến việc xử án thêm phức tạp, kéo dài, tôi rất mệt mỏi”.

Mất thời gian để theo đuổi những vụ kiện, hay chịu mất tiền “dại” vài lần mua được chữ “khôn”, nhưng hệ quả để lại cho những đơn vị sản xuất kinh doanh chân chính lại không hề nhẹ.

Nếu như trước đây, trong hệ thống bán sách của Fahasa, Phương Nam, Nhân Văn trên cả nước, tỷ lệ sách chiếm trên 70% mặt hàng, không gian của siêu thị, nhà sách. Còn bây giờ, sách đã giảm xuống còn 30% trong không gian bán sách. Bán sách không được nên phải đưa văn phòng phẩm, văn hóa phẩm vào để cân đối thu chi cho các cửa hàng mang tên nhà sách.

Có những đơn vị phải thu gọn lại; một số điểm bán sách của Đông A, Cá Chép… phải đóng cửa. “Số đầu sách mới được mua bản quyền in ấn, ra đời đã giảm trên 50% so với trước đây do các đơn vị xuất bản không dám đầu tư bản thảo mới, nguyên nhân là đầu tư in sách ra sẽ bị sao chép, bị xâm hại, bị lỗ. Một số nhà sách phải bán lỗ sách vì không in được, như Nhà sách Văn Lang từng bán tháo 5 tấn sách, một đơn vị sách tại Hà Nội trong 1 năm cũng bán tháo 5 tấn sách”, ông Lê Hoàng cho hay.

“Không ai vi phạm bản quyền thứ vô ích, vô giá trị. Vấn đề ở đây là phải kiện toàn các chế tài pháp luật để theo kịp cuộc sống. Mất chiếc xe máy có thể xử lý hình sự, trong khi mất bức tranh thì hành chính còn khó xử”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhấn mạnh.

Kết quả xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan từ năm 2013 đến nay

- Thanh tra Bộ VH - TT - DL Xử phạt 450 tổ chức, cá nhân. Số tiền xử phạt: 12,8 tỷ đồng

- Bộ Công thương x ử phạt 4 vụ việc vi phạm. Số tiền xử phạt: 130 triệu đồng

- Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt 1 vụ việc vi phạm. Số tiền xử phạt: 25 triệu đồng

- Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành xử phạt >200 vụ việc vi phạm. Số tiền xử phạt: >4.000 tỷ đồng

Nguồn: Bộ VH-TT-DL; Đồ họa: NGỌC TRÂM

Tin cùng chuyên mục