Vi phạm bản quyền: Tinh vi, khó quản - Bài 3: Trắng trợn “xào” tác phẩm báo chí

Phóng viên Công Sang (Tạp chí Nhịp cầu đầu tư) cho hay, anh không nhớ và không đếm nổi có bao nhiêu bài viết của mình bị vi phạm bản quyền dưới dạng sao chép, đạo nhái, “xào xáo”. Khi được bạn bè gửi hoặc xem các bài viết đó được chia sẻ trên mạng xã hội, anh mới biết đó là bài viết của mình.
Các phóng viên tác nghiệp tại một kỳ SEA Games ở Indonesia. Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Các phóng viên tác nghiệp tại một kỳ SEA Games ở Indonesia. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Đủ kiểu sao chép

Phóng viên Công Sang dẫn chứng, tháng 3-2022, chuyên đề Fintech trước cửa ngân hàng của anh được xuất bản trên Tạp chí Nhịp cầu đầu tư, bản báo giấy. Sau đó không lâu, một tạp chí điện tử đã lấy gần như nguyên vẹn bài, chỉ đổi tiêu đề, ký tên của một thạc sĩ! Theo anh Công Sang, những bài của anh bị “ăn cắp” thường chủ yếu trên môi trường online để… dễ gỡ. Những lần phát hiện bị vi phạm bản quyền như vậy, anh chia sẻ sự việc lên Facebook, một số lần, phía đơn vị lấy bài sẽ gỡ xuống. Trong các trường hợp khác, nếu không có đồng nghiệp quen biết đang làm việc ở tòa soạn của đơn vị “xào” bài giúp anh xử lý, thì sự việc vẫn cứ… trơ trơ.

Phóng viên Công Sang cho rằng, việc vi phạm bản quyền ở lĩnh vực báo chí là hành vi vi phạm khó chấp nhận, vì báo chí là ngành sáng tạo, và những người lấy cắp bản quyền đang bóc lột sức lao động của người khác. Bên cạnh đó, nó còn là hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Anh phân tích: “Các tòa soạn chấp nhận, thỏa hiệp cách làm như vậy ảnh hưởng tới các tòa soạn chi trả nhuận bút đàng hoàng công sức cho phóng viên”.

Nhà báo Đinh Đức Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM, thông tin: “Rất nhiều sản phẩm báo chí của chúng tôi bị sao chép vô tội vạ. Thậm chí, có khi báo vừa xuất bản một phóng sự điều tra độc quyền thì ngay sau đó đã có những trang tin tức trên mạng lấy lại, xuất bản trái phép trên trang của họ để câu view. Chưa kể, trên internet từng xuất hiện cả những trang web giả mạo, mạo danh logo của Báo Pháp luật TPHCM; những fanpage trên mạng xã hội giả danh là fanpage của báo”. Theo ông Đinh Đức Thọ, cũng như nhiều cơ quan báo chí khác, Báo Pháp luật TPHCM đang phải đối mặt với nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng nghiêm trọng.

Qua tìm hiểu, hiện nay, các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó, tránh bị phát hiện. Chẳng hạn như lấy tin bài từ báo điện tử, sau đó “trộn” tin, cắt ghép nội dung từ báo điện tử đó và một số website khác, đăng trên website của họ, rồi tiếp tục chia sẻ từ website của họ lên mạng xã hội. Hay như thủ thuật “thay đổi hình ảnh”, lấy hình trên trang của báo điện tử, thay đổi tên hình, kích thước và can thiệp chỉnh sửa hình. Kiểu “đổi font chữ lạ” (lấy nguyên nội dung tin bài của báo điện tử đổi qua kiểu chữ khó nhìn, font chữ lạ, khiến cho các công cụ quét truy vết, tìm kiếm trên mạng không thể phát hiện ra…) cũng khá phổ biến. Ngoài ra, rất nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội lá cải “ẩn danh” không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép, cũng trắng trợn tự ý lấy lại sản phẩm báo chí của các báo và khai thác sử dụng.

Cần được bảo hộ đặc biệt

Theo luật sư Trương Hồng Tú (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Vạn Tâm An), các sản phẩm, tác phẩm trong lĩnh vực báo chí cũng được bảo hộ quyền tác giả như các lĩnh vực khác, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2022): “tin tức thời sự thuần túy”. Tuy nhiên, mặc dù pháp luật về sở hữu trí tuệ đưa “tin tức thời sự thuần túy” vào đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, nhưng Luật Báo chí, và đặc biệt là bộ quy định đạo đức người làm báo, đã điều chỉnh về việc này. Theo đó, Luật Báo chí quy định hoạt động báo chí là “hoạt động sáng tạo” và nhà báo có nghĩa vụ “tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp”. Như vậy, hành vi sao chép, ăn cắp sản phẩm báo chí, dù chỉ là tin tức thời sự thuần túy, đều là hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà báo.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VH-TT-DL, nhận xét, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan với lĩnh vực báo chí đã có những thay đổi tích cực. “Đặc điểm của cơ quan báo chí là đăng tải rất nhiều bài viết, ảnh chụp, video... Quản trị tài sản quyền tác giả, quyền liên quan là nội dung quan trọng đối với cơ quan báo chí. Làm tốt công tác quản trị, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan có thể tạo ra những giá trị to lớn cho cơ quan mình, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm bản quyền”, ông Trần Hoàng nhấn mạnh.

Theo Cục Bản quyền tác giả, cần thiết nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác bản quyền tác phẩm báo chí tại đơn vị mình. Các cơ quan báo chí, đơn vị, tổ chức có liên quan có thể có các cách thức hợp tác, trao đổi, thông tin về nội dung bản quyền tác phẩm báo chí như: hợp tác cung cấp, trao đổi tin, bài, cho phép đăng lại bài... đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, quy định pháp luật về báo chí; xây dựng thỏa thuận - quy chế hợp tác giữa các cơ quan báo chí, đơn vị, tổ chức liên quan, mạng xã hội....

Nhà báo NGUYỄN TẤN PHONG, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM: Tiến tới thành lập Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí tại TPHCM

Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay rất phổ biến, tinh vi. Nhiều sản phẩm vừa mới xuất bản đã ngay lập tức bị các trang web khác, tài khoản mạng xã hội, diễn đàn… tự ý sao chép, khai thác sử dụng trái phép, không trích dẫn nguồn, dẫn link. Trong môi trường số, mạng xã hội bùng nổ, vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí càng trở nên khó khăn, cấp bách. Trở ngại của vấn đề này còn chính từ sự nể nang, dễ dàng bỏ qua. Một số cơ quan báo chí cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bản quyền; nếp suy nghĩ, cách thức xử lý qua loa khiến tình trạng tùy tiện sao chép, vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng tăng.

Hội Nhà báo TPHCM dự định lập một Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí tại TPHCM. Về phía các đơn vị báo chí, phải cực kỳ chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền về ý thức tôn trọng, bảo vệ bản quyền báo chí từ ngay chính nội bộ đơn vị, từ người làm báo lâu năm đến các cộng tác viên trẻ. Để chống nạn vi phạm bản quyền báo chí hiệu quả hơn, các cơ quan báo chí cần liên minh, liên kết thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Nhà báo ĐINH ĐỨC THỌ, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM: Tuân thủ nghiêm từ chính nội bộ

Báo Pháp luật TPHCM luôn yêu cầu các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, nhân viên tuân thủ nhiều nội dung như: không tùy tiện tìm kiếm hình ảnh minh họa trên internet và sử dụng trong bản thảo mà không biết nguồn gốc và những yêu cầu bản quyền của hình ảnh đó; không sử dụng ảnh của các tờ báo không phải là đối tác chia sẻ thông tin với báo; không biên tập làm thay đổi hình ảnh khi hình ảnh đó không phải của phóng viên... Tương tự, các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, nhân viên của báo không được sử dụng video mà không rõ nguồn gốc hoặc không biết được liệu trang web đó có yêu cầu vấn đề mua bản quyền hay không; không sử dụng các video camera hành trình, camera an ninh mà không được sự đồng ý của chính chủ nhân các video đó...

Trên thực tế, Báo Pháp luật TPHCM đã tiến hành xử lý khá nhiều vụ việc nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đạt kết quả tốt. Nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội… sau khi được báo liên hệ hoặc gửi văn bản nhắc nhở thì đã khắc phục hậu quả, chấm dứt hành vi vi phạm.

Hiện nay, quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20-3-2017 và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021. Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Cục Bản quyền tác giả đang tiến hành công tác rà soát, tổng kết thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP để báo cáo đề xuất ban hành nghị định thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, đảm bảo phù hợp với những sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản pháp luật có liên quan. Cục Bản quyền tác giả đã nhận được ý kiến đề nghị tăng mức phạt tiền, tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao; đồng thời tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Tin cùng chuyên mục