Tổng Giám đốc DFC Adam Boehler cho biết, tham gia đoàn công tác lần này có nhiều bộ ngành khác nhau, điều chưa có tiền lệ của DFC khi công tác nước ngoài. Thông qua hợp tác hai bên, DFC sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cũng mong muốn xúc tiến các hoạt động kinh doanh của mình với Việt Nam và sắp tới sẽ có giao dịch lớn của ngân hàng này tại Việt Nam. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ là quan hệ đối tác chặt chẽ, khăng khít; thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, quốc gia đang giữ vai trò quan trọng trong ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2020 là năm quan trọng khi Việt Nam - Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, hai nước đã chung tay đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đạt những bước tiến dài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 170 lần kể từ năm 1995. Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt tốc độ tăng cao nhất trong các đối tác Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. Hoa Kỳ hiện nằm trong nhóm 10 đối tác đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Việt Nam mong muốn đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh dịch chuyển các chuỗi cung ứng tại khu vực.
Thủ tướng đề nghị DFC sớm đầu tư vào các dự án lớn, mang tính biểu tượng cho quan hệ hai nước như các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Việt Nam cũng hết sức coi trọng và đánh giá cao sự tham dự tích cực của Hoa Kỳ trong quan hệ đối tác Mê Công - Hoa Kỳ. Việc DFC mở rộng đầu tư vào khu vực Mê Công sẽ là nền tảng giúp xây dựng một khu vực Mê Công năng động, tự cường, bền vững.
Về định hướng chính sách tiền tệ, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì ổn định tài chính, ngăn chặn các cú sốc và hạn chế tác động từ bên ngoài thông qua việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tỷ giá trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm đạt mục tiêu xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tỷ giá của Việt Nam không nhằm mục đích tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế hay hỗ trợ cho từng ngành sản xuất. Trên thực tế, nếu phá giá đồng Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, thiệt hại sẽ rất lớn đối với cả nền kinh tế.