Việt Nam về đích sớm

Sáng nay 18-9, Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm Trưởng đoàn lên đường đến trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) tại New York, Hoa Kỳ tham dự khóa họp 65 của Đại hội đồng LHQ diễn ra từ 20 đến 22-9, với nội dung chính là kiểm điểm 10 năm thực hiện 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà các lãnh đạo cấp cao của 189 quốc gia đã nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015.

8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) bao gồm: xóa tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; đảm bảo bền vững về môi trường; thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.

8 mục tiêu thiên niên kỷ ra đời trong bối cảnh hợp tác và phát triển là xu thế lớn trong đời sống quốc tế. Song tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp với những xung đột, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên đang tiếp diễn ở nhiều khu vực; khuynh hướng đơn phương sử dụng vũ lực gia tăng.

Nhiều nước đang phát triển bị gạt ra ngoài lề của quá trình toàn cầu hóa, gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận những thành quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thế giới, phải tiến hành cuộc đấu tranh khó khăn chống nghèo nàn, lạc hậu, chống can thiệp, áp đặt để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Báo cáo của LHQ công bố trước thềm hội nghị cấp cao LHQ lần thứ 65 cho biết, nhìn tổng thể, sau 2/3 chặng đường thực hiện MDGs, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ, song kết quả đạt được còn hạn chế, chưa thực sự bền vững và thiếu đồng đều giữa các mục tiêu cũng như giữa các khu vực, quốc gia và các nhóm dân cư. Trong khi các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới… tiến triển tích cực và có triển vọng tốt, việc thực hiện MDGs vẫn gặp hạn chế lớn nhất trên các mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác...

Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, được đánh giá là đạt được nhiều thành tựu nhất với số người nghèo đã giảm gần 50% so với năm 1990, hơn 90% số trẻ em đến tuổi đi học được đến trường, bình đẳng giới được nâng cao, sự lây lan HIV/AIDS được khống chế. Các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, Bắc Phi, Mỹ Latin và Caribe tiếp tục tiến bộ ổn định. Trong khi đó, khu vực Tây Á và châu Phi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt 33 nước kém phát triển nhất tại khu vực cận Sahara nhiều khả năng sẽ không hoàn thành các MDGs vào năm 2015. Ở từng quốc gia, tiến độ thực hiện MDGs còn chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi hoặc giữa các nhóm dân cư.

Hơn một thập niên qua, với tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá cùng những chính sách kinh tế, xã hội hiệu quả và nỗ lực chung của cả nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, được LHQ và quốc tế ghi nhận là quốc gia thành công và đi đầu trong việc thực hiện MDGs ở châu Á - Thái Bình Dương. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP), Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% số chỉ tiêu MDGs, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đúc rút và phát huy những bài học kinh nghiệm thành công là nội dung không thể thiếu trong tất cả các hội nghị kiểm điểm công việc. Ở hội nghị cấp cao lần này, LHQ, các tổ chức quốc tế và nhiều nước trông đợi ở đóng góp của Việt Nam như một mô hình thành công, từ đó có những đề xuất cụ thể đối với kế hoạch hành động nhằm thực hiện MDGs. Không chỉ dừng ở đó, họ còn rất quan tâm đến một nước Việt Nam trong những năm qua đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới toàn diện, quan hệ rộng mở với bên ngoài và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Khắc Văn

Tin cùng chuyên mục