Vịt chạy đồng mùa nước nổi

Vịt chạy đồng mùa nước nổi

Cánh đồng Thoại Sơn (tỉnh An Giang) vào mùa nước nổi, nước dâng cao trắng xóa, mênh mông như biển cả. Buổi chiều nơi đây thật êm đềm lặng lẽ, gió nhẹ nhàng như đưa cái lạnh từ núi Ba Thê trên vùng đất Óc Eo lan dần trên mặt nước. Nhìn từ xa, ngọn núi ẩn hiện một màu xanh nhạt nhòa, chao nghiêng trên sóng nước dập dềnh đến tận chân trời.

Nhà của Ba Lung xây dựng theo kiểu vượt lũ, vậy mà nước cũng lé đé sàn nhà. Ba Lung chuẩn bị đưa đàn vịt đi chạy đồng mùa nước nổi ở tận miệt Cái Ngang huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long. Trước khi đi, Ba Lung thắp nén nhang lên bàn thờ vợ lâm râm khấn nguyện: “Má con Bé Hai sống khôn thác thiêng, phù hộ cho cha con tui bình yên trong mùa vịt này. Quê Thoại Sơn của mình đang vào mùa nước nổi mênh mông, không còn gò đất nào để vịt đẻ, nên tui phải đưa bầy vịt chạy đồng trở về quê của bà ở Tam Bình. Má nó cũng theo chăn giữ phụ với cha con tui cho vui, để nhớ lại cái thưở tôi thả vịt chạy đồng về Tam Bình rồi tui gặp bà. Từ đó tôi là rể Tam Bình, còn bà là dâu Thoại Sơn”.

Khấn nguyện xong, Ba Lung cắm 3 nén nhang vào lư hương, đứng tựa cửa nhìn ra cánh đồng mênh mông nước, lòng bồi hồi nghĩ ngợi: “Cánh đồng Thoại Sơn năng suất lúa cao lắm, có năm đạt từ 6-7 tấn/ha. Lúa trúng trĩu bông nên khi gặt lúa bị rụng nhiều, bởi vậy từ lâu nơi đây nổi tiếng là trung tâm của nghề nuôi vịt chạy đồng. Cứ vào những ngày giáp tết, dân chăn vịt từ khắp các tỉnh thành miền Tây đổ xô về đây thả vịt, chỉ cần khoảng 2 tháng là vịt mập trươu trướu. Nhưng hôm nay thì ngược lại, từ “thủ đô” của vịt chạy đồng, mình phải di tản đàn vịt sang xứ khác”.

Nhìn cảnh nhà không có thứ gì đáng giá, nghèo xơ xác, khiến Ba Lung không khỏi chạnh lòng, tội nghiệp con gái mình bị người ta chê nghèo không thèm cưới. Gần 30 năm nhọc nhằn với nghề nuôi vịt chạy đồng, vậy mà vẫn không đủ sức xua đuổi cái nghèo ra khỏi cuộc đời. Ba Lung bèn tự giải đáp bài toán nghèo của mình, xem coi có phải do mình không lo làm ăn: “Không có vốn, mọi thứ đều vay mượn. Chính vì vậy, lãi mẹ đẻ lãi con cao lút đầu, bán vịt xong, đôi khi không đủ tiền trả nợ.”

Ba Lung kê khai rạch ròi: “Tiền hốt vịt con, ít lắm cũng 20 triệu đồng. Vay. Tiền dự trù ăn uống trong hơn 3 tháng nuôi vịt 4 triệu đồng. Vay. Tiền vận chuyển vịt bằng tàu đến chỗ thả đồng 2 triệu đồng. Vay. Tiền bãi nuôi khi vịt còn nhỏ chờ gặt xong mới thả xuống ruộng và thức ăn cho thời gian này 20 triệu đồng. Vay. Tiền thức ăn dậm khi vịt thả đồng 10 triệu đồng. Vay. Càng nghĩ, Ba Lung nghe càng buồn: “Tiền bán vịt cao lắm cũng ở mức 40.000đ/con. Đó là loại 1, còn loại 2 thì chỉ có 30.000đ/con, mà đâu phải nuôi bao nhiêu là còn đủ bấy nhiêu, chẳng may nó bị đạo ôn, hay cúm gia cầm là kể như… ăn mày”. 

Xuôi theo con nước lớn, Ba Lung chở 3.000 con vịt về Cái Ngang Tam Bình, nơi thả đàn vịt chạy đồng trên ruộng của người anh họ bên vợ. Phía sau là chiếc tàu chở cũng 3.000 con vịt của chị Năm Sen, người hàng xóm cũng là đồng nghiệp nuôi vịt chạy đồng với Ba Lung, cùng về Cái Ngang. Ba Lung bùi ngùi nhìn làng quê mình toàn nước nổi mênh mông, nhiều ngôi nhà bị ngập tới nóc quá tang thương. Những em bé lẻ loi ngồi trên chiếc xuồng con bé nhỏ, thả lưới, giăng câu, cũng như mình đang vất vả chạy theo cuộc mưu sinh giữa muôn trùng sóng nước. Tàu chở vịt tới Cái Ngang cập bến nhà người anh họ của Ba Lung là Bảy Địa lúc trời nhá nhem tối, Ba Lung mời hai mẹ con Năm Sen lên nhà Bảy Địa ăn cơm chung cho vui.

Trong bữa cơm, Ba Lung kể chuyện… tình cảm của mình cho Bảy Địa nghe: “Mùa vịt chạy đồng năm trước, không nhờ cô Năm Sen đây chắc tui theo má con Bé Hai về với ông bà rồi”. Vừa nói, Ba Lung ý tứ nhìn Năm Sen bằng cái nhìn chan chứa, giọng chậm rãi. “Bệnh nặng mà tui không có đồng xu dính túi, một tay cô Năm Sen lo toan hết. Ơn nghĩa sâu nặng quá làm sao trả nổi. Tui chỉ còn biết xin theo chăn vịt… cho cô Năm”. Năm Sen lườm Ba Lung sắc lẹm mà mặt đỏ bừng. Không nói Bảy Địa cũng biết là từ dạo đó hai người phải lòng nhau, hẹn là xong mùa vịt này sẽ tuyên bố với lối xóm bà con. Bảy Địa hỏi chị Năm Sen là nuôi vịt chạy đồng cứ nghèo hoài sao không đổi nghề khác? Suy nghĩ một hồi, chị Năm Sen từ tốn: “Đôi khi tôi cũng nghĩ vậy, nhưng cứ tới mùa vịt chạy đồng mà ở nhà thì thấy nó nhớ làm sao. Nhớ tiếng vịt kêu, nhớ gió lùa lạnh buốt, nhớ bạn bè cùng chia ngọt sẻ bùi trên cánh đồng khi chiều về. Nhớ con cá lóc nướng trui, cả đám ngồi bên nhau hát vọng cổ thâu đêm suốt sáng… Cái gì cũng nhớ, bởi vậy không bỏ nghề được”.

Mới đó mà đã qua mùa vịt chạy đồng, chiều chiều vắng tiếng vịt kêu về chuồng. Sau khi bán xong bầy vịt, Ba Lung tìm Bảy Địa với vẻ mặt đau khổ, ngồi yên lặng với chung trà nóng hôi hổi trên tay. Bảy Địa đoán chắc Ba Lung có điều gì đó ngổn ngang trong lòng khó nói nên cũng im lặng. Lát sau, Ba Lung giọng nghẹn ngào: “Tôi với Năm Sen buộc lòng phải chia tay”. Bảy Địa chưng hửng, Ba Lung chậm rãi từng lời như đang đứt từng khúc ruột: “Tụi tui cũng tính… chấp nối cho những ngày tuổi già bóng xế có người hủ hỉ. Nhưng đùng một cái, trước khi về quê Thoại Sơn, con gái tôi với con trai của Năm Sen đến trước mặt chúng tôi xin tác hợp cho chúng nó được cưới nhau. Hai đứa đã yêu nhau 3 mùa vịt chạy đồng rồi, bây giờ không thể sống thiếu nhau. Tôi với Năm Sen chỉ biết nhìn nhau trân trối, không nói được nên lời. Suốt ngày đó, chúng tôi như kẻ mất hồn, lòng đau tựa dao cắt như sắp mất một cái gì quý báu lắm. Mà chúng tôi mất thật, mất những ngày già hủ hỉ bên nhau…”. Ba Lung vẫn trôi theo ký ức đau buồn của mình: “Tui nói với Năm Sen là mình già rồi, thôi thì hãy hy sinh những tình cảm tư riêng của mình, tất cả vì hạnh phúc của con cái. Năm Sen gật đầu đồng tình với tui mà nước mắt ràn rụa. Hôm nay tui đến thăm anh là để nói lời chia tay, đồng thời cũng báo cho anh biết để chuẩn bị tinh thần về Thoại Sơn dự đám cưới con gái tui”.

Bảy Địa bùi ngùi tiễn Ba Lung ra về trong cơn gió chiều se lạnh, càng xót xa hơn khi thấy tóc Ba Lung đã quá nhiều sợi bạc. Cả đời cần cù lo cho con, nay còn hy sinh cả hạnh phúc vừa mới nhen nhúm trong những ngày cuối đời, phút chốc lụi tàn cũng vì tình thương con vô bờ bến. Chợt Ba Lung đứng lại, vụt ôm chầm lấy Bảy Địa nghẹn ngào: “Chắc là từ đây tui không còn theo vịt chạy đồng nữa, vì có con rể nó làm thế tui rồi”.

Nhật Chinh

Tin cùng chuyên mục