Liên quan đến sự cố cháy tàu cánh ngầm, ngày 22-1, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 6 Phạm Ninh (đơn vị trực tiếp kiểm định trên 10 tàu cao tốc cánh ngầm đang hoạt động tuyến TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại) đã trả lời báo chí hàng loạt vấn đề. Trong đó, vấn đề được báo chí chất vấn nhiều nhất là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tàu nhưng ông Ninh không trả lời được vì vụ việc đang trong quá trình điều tra của Cảng vụ Hàng hải.
- PV: Từ năm 2007 đến tháng 7-2013 đã xảy ra hàng chục sự cố, tai nạn liên quan đến tàu cánh ngầm. Trong đó có hai vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết 2 người. Riêng 7 tháng đầu năm 2013 xảy ra 14 vụ sự cố tàu cánh ngầm. Dư luận cho rằng vụ cháy tàu Vina Express 01 SG.3837 xảy ra chỉ sau 3 ngày kiểm định, liệu công tác kiểm định có vấn đề?
>> Ông PHẠM NINH, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 6: Đa số các tàu đang hoạt động hiện nay mặc dù tuổi đời của tàu có cao nhưng máy và vỏ tàu đã được các hãng thường xuyên bảo dưỡng, thay mới (máy nhập từ châu Âu, sản xuất từ năm 2005 đến năm 2010). Báo chí nêu hàng loạt sự cố, nói là nhiều nhưng phải xác định sự cố đó là gì? Các đơn vị liên quan, kể cả chủ tàu phải phân tích từng lỗi sự cố chứ không thể cứ xảy ra tai nạn là quy hết cho đăng kiểm là chưa chính xác. Ví dụ như hai tàu đâm nhau là do tài công chạy ẩu chứ không thể lỗi do đăng kiểm. Tuy nhiên, máy bị trục trặc cũng có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Mỗi sự cố đều có nguyên nhân của nó, riêng vụ cháy tàu vừa rồi cần phải được cơ quan điều tra xác định.
Về quy trình đăng kiểm, tùy theo tuổi tàu, tình trạng kỹ thuật của tàu mà cơ quan đăng kiểm quy định về thời hạn đăng kiểm của tàu, 6 tháng một lần đối với tàu có tuổi đời 20 năm trở lên, 1 năm đối với tàu có tuổi đời dưới 10 năm. Trong quá trình kiểm định, kỹ thuật viên đã thực hiện kiểm tra đúng theo quy định hiện hành của ngành. Điều này có thể kiểm chứng được vì toàn bộ quy trình này hồ sơ còn lưu lại, kể cả hình ảnh được lưu lại trong quá trình kiểm định. Trong thời gian qua, có thể nói chủ phương tiện các tàu cao tốc, tàu cánh ngầm đã thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng kiểm.
- Dư luận cho rằng, công nghệ, trình độ đăng kiểm còn kém và lạc hậu. Đề nghị ông cho biết ý kiến?
Tôi khẳng định nhân viên kiểm định đủ trình độ, thâm niên, kinh nghiệm để thực hiện công việc được giao. Chi cục cũng thường xuyên luân phiên, hoán đổi nhân viên kiểm định, không có chuyện một người làm mãi một chỗ. Đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nào bỏ qua những lỗi lớn để xảy ra sự cố. Phương châm của ngành là làm sao để đảm bảo tàu vận hành an toàn nhất. Vấn đề chính là cần tổ chức tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm tàu phục vụ an toàn hành khách đi tàu.
- Trong hàng loạt sự cố tai nạn thời gian qua, vụ nào liên quan đến khâu đăng kiểm?
Hầu hết các vụ lớn không liên quan trực tiếp đến đăng kiểm. Có chăng những sự cố lặt vặt như bề ngoài của tàu, ghế… nói chung là về mặt thẩm mỹ là chính. Cần phải nói rõ là nhiều sự cố nhưng mỗi sự cố đều khác nhau chứ không phải một sự việc lặp đi lặp lại. Tôi khẳng định rằng phương tiện vận tải hành khách này vẫn an toàn hơn so với các loại hình vận tải khác, tỷ lệ tai nạn dẫn đến chết người rất ít xảy ra.
- Suốt thời gian dài tàu cánh ngầm xảy ra nhiều sự cố, TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT quy định niên hạn sử dụng loại tàu này nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Vì sao?
Theo tôi được biết, Bộ GTVT đã trình và chờ Chính phủ về cơ chế hoạt động của loại hình tàu cánh ngầm. Trong đó, bộ đề xuất cần có lộ trình quy định niên hạn sử dụng của tàu cánh ngầm nhằm giúp các nhà đầu tư thời gian và điều kiện thay đổi tàu mới. Bộ GTVT đã rất quyết liệt yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc bộ tăng cường kiểm tra hoạt động tàu cánh ngầm và đặt ra nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp có tàu cánh ngầm phải thực hiện. Như tàu cao tốc phải gắn các thiết bị định vị để khi xảy ra sự cố xác định nơi tàu bị nạn; khi hành khách lên tàu, tất cả các hãng tàu phải có phương án ứng cứu, hướng dẫn hành khách cách xử lý khi có sự cố xảy ra...
QUỐC HÙNG thực hiện
- Tạm đình chỉ tất cả tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu