(SGGP). - Chiều 16-12, một ngày sau vụ cháy khủng khiếp xảy ra tại tòa nhà 33 tầng đang trong quá trình hoàn thiện của EVN, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trong số 29 bệnh nhân là nạn nhân trong vụ cháy này được đưa tới cấp cứu đã có 18 người được ra viện. Số nạn nhân còn lại vẫn phải tiếp tục theo dõi do có biểu hiện đau ngực, nhức đầu, ho khạc đờm nên không loại trừ nguy cơ bị bỏng đường hô hấp, đây là một thể bỏng khá nguy hiểm.
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cũng cho biết, công tác phòng cháy trong quá trình thi công ở tòa nhà cao tầng của EVN không đảm bảo. Qua khám nghiệm hiện trường vụ cháy của Viện Khoa học hình sự, ban đầu cho thấy, ngọn lửa bùng phát ở tầng hầm sau đó nhanh chóng lan vào hệ thống bảo ôn, mút xốp, tiếp đó là các vỏ dây điện 3 pha nên gây ra khí độc và rất nhiều khói. Ngọn lửa bùng phát có thể do chập điện hoặc do bất cẩn trong thi công như sơ suất trong hàn xì và hút thuốc lá.
Cùng ngày, tại cuộc họp giao ban khẩn cấp với các sở và một số ban, ngành về vụ cháy tòa nhà này, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu, các cơ quan chức năng của Hà Nội phải khẩn trương làm rõ nguyên nhân của vụ cháy nghiêm trọng này để xử lý nghiêm túc.
Đáng lưu ý, sau những rắc rối, chậm trễ của công tác cứu hộ, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo gợi ý có thể tính đến phương án trang bị máy bay trực thăng để cứu hộ nhanh hơn trong trường hợp các nhà cao tầng gặp sự cố, đồng thời cũng yêu cầu Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội phải xây dựng tình huống và tăng cường diễn tập trong hoàn cảnh như vụ cháy tòa nhà cao tầng của EVN, trong đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và công tác cứu hộ. Sở Công thương, Sở LĐTB-XH, Sở Xây dựng, Sở Cảnh sát PCCC phải kiểm tra tất cả các công trình đang thi công hiện nay về biện pháp kỹ thuật, an toàn điện và PCCC.
K.NGUYỄN
>> Cháy tòa nhà 33 tầng ở Hà Nội