
Đó là biệt danh do bạn bè, bà con chòm xóm quý mến đặt cho chàng thanh niên 27 tuổi Nguyễn Văn Ty (thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Rời ghế nhà trường chưa đầy hai năm, Ty được Trung ương Đoàn trao tặng bằng khen Lương Định Của từ việc anh nghiên cứu thành công mô hình nuôi ếch sinh sản ngay trên mảnh đất mà người dân địa phương quen gọi là “vùng đất chết”.
Trăn trở với quê hương

Nguyễn Văn Ty đang kiểm tra cặp ếch sinh sản trước khi chúng đẻ trứng
“Đã gần 2 năm nay, ngày nào cũng vậy, từ sáng tinh mơ đến chiều tối, em chỉ toàn quanh quẩn bên… mấy chú ếch”, cậu chủ trang trại tươi cười, nói với chúng tôi một cách chơn chất.
Sinh ra tại một làng quê ven phá Tam Giang, Ty sớm thấu hiểu cảnh bế tắc của người nông dân trong xã khi lập trang trại nuôi gà thì gà toi, nuôi tôm thì tôm mắc bệnh đốm trắng, trồng mía lại bị sâu bệnh…
Đau đáu với ước vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương nên khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Ty quyết tâm về thành phố làm thuê, gom tiền rồi mới thi vào Trường Đại học Nông Lâm Huế.
Tại Khoa Thủy sản, Ty được biết mô hình nuôi ếch thịt Thái Lan đem lại thu nhập cao cho nông dân các tỉnh miền Nam. Vậy là trong 4 năm đại học, Ty dồn sức tìm tài liệu phục vụ việc nuôi ếch sinh sản và lấy thịt. Năm thứ ba, Ty được các thầy trong khoa cho phép đi TPHCM học tập, nghiên cứu mô hình nuôi ếch sinh sản. Với kiến thức học từ sách vở cộng với sự dẻo dai con nhà nông, Ty mau chóng lĩnh hội phương thức nuôi ếch sinh sản của trang trại Thanh Khiết (huyện Củ Chi).
Làm giàu trên “vùng đất chết”
Năm 2006, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, cậu sinh viên Nguyễn Văn Ty được rất nhiều doanh nghiệp mời về làm việc với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, Ty quyết định về quê chọn “vùng đất chết” để lập trang trại trước sự ngỡ ngàng của thầy cô và bạn bè (trang trại của Ty được cải tạo từ cánh đồng hoang nhiễm mặn mà người dân địa phương gọi là “vùng đất chết”- PV).
Ty tâm sự: “Với số vốn khởi nghiệp 80 triệu đồng do gia đình chạy kiếm khắp tứ phương, em quyết định xây 5 cái bể bê tông rộng 12m2/bể, rồi mua 100 cặp ếch giống Thái Lan với giá 30 triệu đồng về nuôi. Sau 5 tháng, ếch đẻ trứng nhưng đen đủi, trứng nở con đều bị chết…”.
Với suy nghĩ tại sao người miền Nam thành công với mô hình nuôi ếch sinh sản mà mình lại không làm được, Ty nhất quyết không cam chịu thất bại. Hai tháng trăn trở câu hỏi trên, Ty tìm ra đáp án: Muốn cho ếch sinh sản thành công tại Thừa Thiên - Huế thì phải tạo ra được tiểu khí hậu ôn hòa như miền Nam tại bể ếch giống. Để làm được điều này, Ty thường xuyên thay nước, che chắn và thắp điện sáng để nâng nhiệt độ vào mùa rét; mùa hè thì dùng bèo tây phủ trên mặt bể để giảm nhiệt… Phương án này đã giúp Ty sản xuất được 160.000 con ếch giống/năm, thu nhập được 250 triệu đồng/năm.
Có ếch giống, Ty đào ao nuôi ếch thịt, bày cho bà con khắp tỉnh cách nuôi ếch thoát nghèo. Anh Nguyễn Văn Minh, xã Lộc An, huyện Phú Lộc cho biết: Trước khi “Ty vua ếch” sản xuất được ếch giống, bà con nuôi ếch phải vào tận TPHCM mua giống với giá cao gấp 2 lần chưa kể tiền tàu xe. “ Ty vua ếch” còn giúp đỡ hướng dẫn về kỹ thuật mỗi khi ếch nuôi gặp “sự cố”.
Chia tay chúng tôi, Ty cho biết ý tưởng phát triển trang trại: “Hai tháng nữa, có 100 triệu đồng từ tiền bán ếch thịt, em sẽ mua cây xanh về trồng ven hồ ếch, số còn lại sẽ mua 10 con bò nuôi lấy phân làm thức ăn cho cá. Từ nay đến cuối năm em tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất để trang trại phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái”.
Vũ Văn Thắng